Trần Trọng Kim (chữ Hán: 陳仲金; 1883 – 1953)[1][2] là một học giả danh tiếng[3] nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần (遺臣), thủ tướng của chính phủ Đế quốc Việt Nam (1945) được thành lập trong thời kỳ Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa như Việt Nam sử lược, Việt Nam văn phạm, Nho giáo,...
Tiểu sử
Thân thế
Trần Trọng Kim, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Linh, xã Đan Phố, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.[4] Vợ ông Bùi Thị Tuất là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ. Ông có một người con gái duy nhất là Trần Thị Diệu Chương, lấy chồng làm Chưởng lý Bộ Quốc ấn tại Sénégal. Cha ông là Trần Bá Huân (1838-1894), đã từng tham gia từ rất sớm phong trào Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo.[5]
Hoạt động trong ngành giáo dục
Trần Trọng Kim xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán. Vào năm 1897, ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Định và học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và đến tốt nghiệp năm 1903.[6]
Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, vì hiếu học nên ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Năm 1906, nhân có Hội chợ đấu xảo tại Marseille Pháp, ông xin làm một chân thợ khảm để được đi với Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) sang dự.[6]
Sau hội chợ, ông xin ở lại để học thêm tại các trường ở Ardèche, Lyon rồi tiếp tục học ở Trường thuộc địa. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước.[6][7]
Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như:[8]
- Thanh tra Tiểu học (1921)
- Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931
- Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939)
Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử. Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo.
Năm 1943, một năm sau khi ông về hưu, Nhật Bản kéo vào Đông Dương và người Nhật lấy cớ "giúp các ông tránh sự bắt bớ của Pháp" đưa ông và chí sĩ Cử nhân Dương Bá Trạc (1884-1944) bí mật sang Chiêu Nam (Singapore).[9] Năm 1945, ông được quân đội Nhật đưa về nước.
Hoạt động chính trị
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp,[10] độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là duy trì bằng được "trật tự và ổn định" nhằm tìm nguồn cung ứng vật chất tại chỗ cho gần 100.000 lính Nhật, cũng như để cung cấp cho việc phòng thủ nước Nhật trước đà tấn công của quân Đồng Minh. Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc thành lập bộ máy cai trị bản xứ đặt ra như một đòi hỏi cấp bách.[11]
Ngay từ đêm 8/3, quân Nhật Bản đã được phái đến canh giữ nghiêm ngặt nhà của các quan lớn trong triều Nguyễn. Họ giữ các quan này ở trong nhà để chờ lệnh từ chỉ huy Nhật. Theo lời kể của đại thần Phạm Quỳnh, quân Nhật đi tìm tất cả các quan trong Viện cơ mật và giam họ lại một chỗ. Đến sáng 9/3, khi đã đưa được Bảo Đại về kinh đô, quan Nhật là Yokoyama đưa cho họ 2 văn bản đã viết sẵn: Bản tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước nhà Nguyễn đã ký với Pháp và Bản tuyên bố giải tán Viện cơ mật, tất cả nhằm dọn đường cho việc thành lập nội các Đế quốc Việt Nam. Yokoyama nói thẳng "tôi cho các vị 15 phút để suy nghĩ". Trong hoàn cảnh đó, các quan nhà Nguyễn không muốn ký cũng không được.[12]
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, thành lập Đế quốc Việt Nam.[13][14] Vua Bảo Đại liền giải tán Hội đồng cơ mật gồm Thượng thư sáu bộ, tuyên bố từ nay sẽ tự mình cầm quyền nhưng bên cạnh nhà vua là viên Đại sứ Nhật ở Đông Dương Yokoyama làm 'Tối cao cố vấn'.[15]
Chỉ huy quân Nhật, tướng Tsuchihashi Yuitsu (土橋, âm Hán Việt: Thổ Kiều), nghĩ rằng chỉ cần Việt Nam độc lập trên danh nghĩa và chính phủ mới của Việt Nam phải được Nhật kiểm soát chặt chẽ.[16] Thoạt đầu Phạm Quỳnh được chỉ định tạm quyền nhưng ông này quá thân Pháp, ngoài ra ông ta thấy ngay "nền độc lập" có những giới hạn như giống như hồi còn chế độ thuộc địa Pháp: Không có tự chủ về ngoại giao, không có quân đội, không có độc lập tài chính... Nhật liền chọn một nhân vật ôn hoà hơn và gần gũi với Nhật Bản. Đó chính là Trần Trọng Kim, đang ở Singapore. Theo Daniel Grandcléme, nhà vua Bảo Đại chẳng có vai trò gì trong việc chỉ định này.[17]
Trong khi Bảo Đại tìm người lập nội các thì ngày 30/3/1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda nói thẳng bằng tiếng Pháp về bản chất sự "độc lập" của Đế quốc Việt Nam:
“ | Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ[18] | ” |
Ngày 30 tháng 03 năm 1945, Trần Trọng Kim được Nhật Bản đón từ Băng Cốc về Sài Gòn.[19] Khoảng 5 tháng 04 năm 1945, Trần Trọng Kim đến Huế.[19] Sau khi được yết kiến Bảo đại và gặp Trần Đình Nam, Trần Trọng Kim cũng tán thành giải pháp lập nội các do Ngô Đình Diệm đứng đầu nên một bức điện thứ 2 triệu tập Ngô Đình Diệm được Tối cao cố vấn Yokoyama nhận chuyển đi. Nhưng Ngô Đình Diệm không ra Huế (do Nhật không chuyển điện, hay nhận điện mà từ chối). Bảo Đại triệu Trần Trọng Kim vào tiếp kiến lần thứ hai.
Trần Trọng Kim và một số trí thức có tiếng tăm được giao thành lập nội các ở Huế vào ngày 17 tháng 4 năm 1945.[3][20] Đây là một dạng chính phủ nghị viện đầu tiên tại Việt Nam và Trần Trọng Kim trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam. Tham gia Nội các của ông đều là các nhà trí thức luật sư, bác sĩ, kỹ sư (một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư):[21]
- Trần Đình Nam (1896-1974) y sĩ Đông Dương, Bộ trưởng Nội vụ.
- Trần Văn Chương (1898 – 1986), Tiến sĩ Luật, Bộ trưởng Ngoại giao.
- Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Tiến sĩ Luật, Bộ trưởng Tư pháp.
- Vũ Văn Hiền (1911-1963), Tiến sĩ Luật, Bộ trưởng tài chính.
- Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Giáo sư, Thạc sĩ toán học, Bộ trưởng giáo dục và Mỹ thuật.
- Vũ Ngọc Ánh (1901-1945), Bác sĩ Y khoa, Bộ trưởng Y tế.
- Lưu Văn Lang (1880-1969), Kỹ sư bách nghệ được vua Bảo đại mời làm Bộ trưởng Công chính, nhưng đến giờ chót ông từ chối vì tuổi cao.
- Hồ Tá Khanh (1908-1996), Bác sĩ Y khoa, Bộ trưởng Kinh tế.
- Nguyễn Hữu Thi (1899-?), Y sĩ, đại thương gia, Bộ trưởng tiếp tế.
- Phan Anh (1911-1990) Luật sư, Bộ trưởng Thanh niên.
Ngoài các thành viên Nội các, nhiều nhà trí thức có tiếng tăm cùng tham gia công việc của chính quyền:[21]Phan Kế Toại (Khâm sai Bắc bộ),
Bác sĩ Trần Văn Lai (Thị trưởng Hà Nội),
Giáo sư Nguyễn Lân (Thị trưởng Huế),
Phó bảng Đặng Văn Hướng (Tỉnh trưởng Nghệ An),
Phó bảng Hà Văn Đại (Tỉnh trưởng Hà Tĩnh),
Giáo sư Đặng Thai Mai (Tỉnh trưởng Thanh Hóa)…
Các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Vũ Văn Cẩn, Ngụy Như Kontum, được mời ra thành lập Hội đồng Thanh niên. Tạ Quang Bửu được mời làm Cố vấn đặc vụ ủy viên Bộ Thanh niên và Kỹ sư Lê Duy Thước làm Chánh văn phòng Bộ.
Một chính phủ được thành lập trong bối cảnh quân đội Nhật chiếm đóng như chính phủ Trần Trọng Kim, thông thường dễ bị coi là bù nhìn, là tay sai Nhật. Và thực tế đúng là như vậy. Luật sư Phan Anh, một bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim, sau này viết[22]:
- “Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!”
Mới ra mắt được 4 tháng, ngày 5/8/1945, hàng loạt thành viên nội các Trần Trọng Kim xin từ chức: 3 bộ trưởng xin từ nhiệm, Bộ trưởng Vũ Ngọc Anh qua đời vì trúng bom máy bay Mỹ. Các bộ trưởng khác tuyên bố bản thân họ cũng bất lực, bởi không thể làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật Bản đồng ý, trong khi vua Bảo Đại chỉ lo ăn chơi, săn bắn mà không quan tâm đến chính trị. Trần Trọng Kim cố gắng liên hệ nhưng các nhân vật cấp tiến đều khước từ cộng tác, đến đầu tháng 8 thì chính Trần Trọng Kim cũng nản lòng. Ông nói mình bị "tăng huyết áp" và không ra khỏi nhà[23].
Trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim viết về giai đoạn làm chính trị dưới sự khống chế của Nhật Bản:
“ | "Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao Ly và Mãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình"[11] | ” |
Sự khống chế của Nhật Bản
Giáo sư Đinh Xuân Lâm có viết: "Nội các Trần Trọng Kim, với thành phần là những trí thức có tên tuổi, trong đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như: Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh… Thủ đoạn của bọn cầm quyền Nhật Bản là triệt để lợi dụng bộ máy chính quyền do chúng mới dựng lên để lũng đoạn tình hình có lợi cho chúng, chúng chỉ muốn có một chính phủ bù nhìn hoàn toàn để thi hành mọi ý định của chúng".[24]
Theo Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng: "Với an ninh, quốc phòng và kinh tế tài chánh đều nằm trong tay quân đội Nhật, tất cả những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim có thể đạt được trong việc giành lại chủ quyền cho Việt Nam thực tế là chỉ có tính cách biểu tượng. Nhưng trong tình huống Đông Dương vào năm chót của thế chiến thứ hai, biểu tượng đóng một vai trò rất quan trọng. Biết rằng thất bại của Nhật Bản chỉ là một vấn đề thời gian, Trần Trọng Kim và chính phủ của ông đưa ra một chương trình nhằm thay đổi tâm lý người Việt đến mức mà đất nước sẽ không thể trở lại tình trạng thuộc địa nữa một khi chiến tranh chấm dứt...".[25]
Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam; đặt quốc thiều là bài "Đăng đàn cung"; quốc kỳ có "nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm".[19]
Chính phủ Trần Trọng Kim thực tế vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nhật Bản đưa ra chính sách Đại Đông Á, tuyên bố "giúp các dân tộc da vàng đánh đổ ách thống trị của thực dân da trắng để lập nên khu vực thịnh vượng chung", nhưng thực ra đó chỉ là một cách gọi biện minh cho ách chiếm đóng mới của quân phiệt Nhật. Vai trò của Nhật, theo kế hoạch của người Nhật, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà còn bảo vệ quân sự và dẫn dắt chính sách nội bộ của các nước trong khối, miền Nam Châu Á sẽ trở thành thị trường và nơi cung cấp nguyên liệu cho Đế quốc Nhật.
Vì vậy nhiều người cho rằng đây chỉ là một chính phủ bù nhìn thân Nhật, không có thực quyền và không có được sự ủng hộ của dân chúng. Nó được xếp chung với các chính phủ bù nhìn do Nhật thành lập tại các nước bị họ chiếm đóng trong thế chiến thứ 2 như Mãn Châu quốc, Chính phủ Uông Tinh Vệ, Mông Cương, Đệ nhị Cộng hòa Philipine...[26] Cùng với sự bại trận của Nhật Bản trong thế chiến, tất cả các chính phủ này đều tự sụp đổ hoặc bị Đồng Minh giải thể trong năm 1945[26], dù cho Cách mạng tháng Tám không nổ ra thì chính phủ này cũng sẽ bị giải thể khi quân Đồng Minh (Anh và Pháp) tới Việt Nam vào tháng 9/1945.
Về hành chánh, Nhật đảo chính lật đổ Pháp ngày 09 tháng 03 năm 1945, nhưng không trao trả toàn bộ chủ quyền đất nước lại cho chính quyền Đế quốc Việt Nam, mà mãi đến tháng 7 năm 1945, sau các cuộc thương lượng của Trần Trọng Kim, toàn quyền Nhật là Tsuchihashi mới trả lại cho chính phủ Đế quốc Việt Nam ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1945. Về việc thu hồi Nam Kỳ thì cuộc thương thuyết với Toàn quyền Tsuchihashi có kết quả mặc dù lúc đầu Tsuchihashi còn do dự vì triều đình Cao Miên cũng đòi đất Nam Kỳ. Trần Trọng Kim phái Nguyễn Văn Sâm là khâm sai vào Sài Gòn tiếp thu. Ở ngoài Bắc thì Thống sứ Nishimura bàn giao với khâm sai Phan Kế Toại tại Hà Nội ngày 12 Tháng 8. Ngày 14 Tháng 8, chính phủ Trần Trọng Kim công bố chính thức tiếp thu Nam Kỳ[27] Chính phủ Trần Trọng Kim cũng thay chương trình học bằng tiếng Pháp bậc tiểu học và trung học sang chương trình học bằng tiếng Việt, do học giả Hoàng Xuân Hãn biên soạn.[19] Hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ ngoại trừ lĩnh vực y tế và các văn thư liên lạc với Pháp hoặc các công ty của người Trung Hoa.[19]
Việc Nhật chiếm đóng vào thời điểm 1945 đã gây ra những hậu quả tai hại cho Việt Nam như nạn đói năm Ất Dậu. Vấn đề cấp thiết nhất khi đó là việc cứu đói, nhưng chính phủ Trần Trọng Kim đã không làm được điều mình hứa hẹn, chính phủ này không có phương tiện, nhân lực đều do quân Nhật nắm, giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển từ Nam ra Bắc thì bị quân Đồng minh cắt đứt nên không thể làm làm tình hình được cải thiện. Khi đó gạo được chất đống trong kho của Nhật, Bảo Đại đã thử thuyết phục đại sứ quán Nhật Bản mở kho phát gạo nhưng chỉ huy Nhật Bản không cho phép.
Nạn đói năm Ất Dậu đã khiến gần 2 triệu người dân Việt Nam (chủ yếu ở miền Bắc) chết đói. Báo Ngày Nay xuất bản tháng 6/1945 nhận xét về sự bất lực hoàn toàn của chính phủ này, viết[28]:
- “Chúng tôi nhận thấy ai ai cũng thất vọng và chán nản, vì sau hai tháng hô hào và tốn bao giấy mực, dân đói miền Bắc cũng chưa thấy một bao gạo nào ở Nam đưa ra. Lời tuyên bố của thủ tướng còn vang vọng bên tai ta: “Cần nhất là phải tiếp tế cho dân đói miền Bắc” mà tới nay việc làm vẫn chưa đi theo lời nói; tuy rằng gạo miền Nam vẫn chất đầy trong các kho, các nhà máy, tuy rằng giấy bạc vẫn nằm từng xấp dày trong các két sắt của nhà tư sản Việt Nam, tuy rằng nội các vẫn có một bộ tiếp tế và một bộ tài chính"
Về vấn đề này, nhà sử học Trần Văn Giàu chỉ ra nguyên nhân của sự bất lực này là do tính chất bù nhìn của chính phủ Trần Trọng Kim[28]:
“ | Lẽ dĩ nhiên, nguyên nhân trận chết đói năm 1945 chủ yếu không phải là do chính phủ Trần Trọng Kim mà là do chế độ thực dân, là chính sách tàn bạo của Pháp – Nhật. Sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim phần lớn là do tính chất bù nhìn của nó. Nó không thể bớt chỗ nào thừa cho chỗ không có. Nó không thể chống nạn đầu cơ ở miền Bắc lúc ấy vẫn còn gạo trong các kho của quân phiệt Nhật. Nhật tích trữ lương thực để nuôi quân. Từ 9-3 đến giữa tháng 6, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim đâu dám đụng đến việc thu thóc tạ, càng không dám đụng đến kho thóc. Chính phủ đã cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp, để xứng đáng với cái "độc lập" mà Nhật ban cho! Cả chính phủ Trần Trọng Kim và Nhật đều bắt buộc mọi sự vận chuyển thóc gạo từ Nam ra Bắc đều phải qua “Ủy ban thóc gạo” ở Sài Gòn mà ủy ban này do công ty Nhật nắm. Khi tải ra đến Bắc thì phải gom gạo cho công ty thóc gạo Bắc kỳ 75% số lượng, công ty này lo bảo đảm trước hết lương thực cho quân Nhật, còn lại mới bán cho dân | ” |
Không những vậy, Đạo dụ của chính phủ Trần Trọng Kim ngày 13/6/1945 còn quy định: ai phạm việc phá hoại cầu cống, đường sá, cướp phá hoặc làm hư hại kho ngũ cốc, đồ ăn, gạo, đều bị kết án tử hình. Đạo dụ cũng cấm chỉ mọi cuộc tụ tập trên 10 người. Vì đạo dụ này, nhân dân không dám kéo đi phá kho thóc để chia cho người đói, hàng chục vạn người đã chết đói ngay bên ngoài cửa những kho thóc còn đầy ắp[28]
Trong khi Bộ Tiếp tế chỉ làm được vài việc vặt, thì Bộ Tài chính của Đế quốc Việt Nam chỉ chuyên làm một việc là gom tiền thuế của dân giao cho Nhật. Chỉ riêng trong 5 tháng tồn tại, Chính phủ Trần Trọng Kim đã nộp cho Nhật Bản khoản tiền 720 triệu đồng Đông Dương (Piastre), ngang với số tiền 726 triệu do chính quyền thực dân Pháp nộp cho Nhật Bản trong 5 năm trước đó (từ 1940 tới 9/3/1945). Tổng cộng trong thời gian Thế chiến thứ hai, người Việt Nam đã phải nộp cho Nhật khoản tiền là 1 tỷ 446 triệu Piastre, tương đương 14 tỷ 460 triệu Franc lúc đó[22]
Chính phủ Trần Trọng Kim không thành lập quân đội để tránh phải tham gia chiến tranh thế giới thứ II với tư cách đồng minh của Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ thanh niên Phan Anh đã thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến, Thanh niên Xã hội để thực hiện công tác trị an, bảo vệ. Tuy nhiên khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, do nhận thấy bản chất bù nhìn của chính phủ Đế quốc Việt Nam nên lực lượng Thanh niên Tiền tuyến đã rời bỏ hàng ngũ, quay sang ủng hộ lực lượng Việt Minh, phong trào mà họ tin rằng sẽ thực sự giành được độc lập cho Việt Nam. Trường Thanh niên tiền tuyến đã đào tạo ra nhiều tướng lĩnh, sĩ quan của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này.
Lưu vong và hồi hương
Khi quân Nhật thất trận sắp đầu hàng Đồng Minh, chính phủ Trần Trọng Kim cũng chỉ tồn tại được đến ngày 23 tháng 8 năm 1945 thì sụp đổ.[1][29]
Sau khi Việt Minh giành được chính quyền và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ông được sống yên ổn tự do ở nhà, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn cấp tiền lương cho ông ăn. Chính ông đã viết trong hồi ký: “Bây giờ tôi không có tiền, may nhờ chính phủ Việt Minh ở Huế trả tôi 1.600 đồng tiền lương quá nửa tháng 8 tôi mới có tiền chi tiêu”. Món tiền 1.600 đồng lúc ấy là không hề nhỏ, có thể mua được hai tấn gạo[28].
Tháng 6-1946, khi quân Quốc dân đảng Trung Quốc phải rút về nước, ông sang Trung Quốc tìm gặp cựu hoàng Bảo Đại đang ở Hồng Kông. Ông cùng Bảo Đại tìm cách khôi phục lại vương triều nhà Nguyễn, có cả Cousseau, chỉ huy mật thám Pháp tham dự.
Sau nhiều năm tháng ở Quảng Châu và Hồng Kông, ngày 6 tháng 2 năm 1947, ông trở về Sài Gòn và sống tại nhà luật sư Trịnh Đình Thảo.
Người Pháp thu xếp cho ông trở về Sài Gòn để vận động thành lập chính phủ mới. Về đến Sài Gòn, ông nhận ra rằng những lời hứa hẹn của người Pháp là giả dối nên ông quyết định không làm gì.
Năm 1948, ông qua Phnom Penh và sống với người con gái. Sau đó, ông lại trở về Việt Nam sống thầm lặng. Trong thời gian này ông có viết cuốn hồi ký Một cơn gió bụi (1949), tóm lược quãng đời làm chính trị của ông trong giai đoạn 1942 - 1948.
Trần Trọng Kim mất tại Đà Lạt vào ngày 2 tháng 12 năm 1953, thọ 71 tuổi.
Các câu nói và nhận xét của người xung quanh
Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học và cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và bảo hoàng, ông chủ trương duy trì nền phong kiến quân chủ tại Việt Nam. Trên cương vị chính khách thì ông tỏ ra thiếu năng lực chính trị, ông vừa bị Nhật Bản lợi dụng, lại vừa đặt sai niềm tin vào Bảo Đại, một ông vua chỉ thích ăn chơi. Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên trong Nội các của ông, nhận xét:
- "Tôi quen Trần Trọng Kim từ ngày ông còn dạy học, viết sử. Trong những tác phẩm của mình, ông động viên ý chí quật cường cho thanh niên… Tôi rất có cảm tình đối với ông ấy. Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị. Ông ta cần được sự giúp đỡ ý kiến" [30]
Từ năm 1945, do nhận lời làm Thủ tướng cho chính phủ Đế quốc Việt Nam, ông đã bị mang tiếng xấu là làm việc cho Nhật. Ông bị các báo chí bí mật của giới trí thức yêu nước chửi rủa nặng nề. Chu Lang làm thơ phê phán ông thẳng thừng:
- “Ngực đeo cái biển Việt gian, cúi đầu bái tạ Thiên Hoàng phía đông”.
Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của nhà Nguyễn nhận xét:
- “Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng…”[28].
Tuy nhiên Trần Trọng Kim vẫn tin tưởng hành động của mình là giúp nước. Khi gặp đại diện của Việt Minh, ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Trọng Kim nói:"Lịch sử sẽ phán xét công việc của chúng tôi"[31][32][33] Khi ông Kim gặp Tổng tư lệnh Tsuchihashi để yêu cầu Nhật trả lại ba tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và toàn bộ đất Nam kỳ cho Việt Nam:
- "Quân đội Nhật đã đánh quân đội Pháp và công nhiên hứa hẹn trả quyền tự chủ cho nước Việt Nam. Bởi vậy tôi không quản tuổi già và sự khó khăn của hoàn cảnh mà đứng ra lập chính phủ. Tôi làm việc một lòng giúp nước tôi, cũng như các ông lo việc giúp nước Nhật… Nếu các ông cho tôi là người làm việc cho nước Nhật, việc ấy không phải là phận sự của tôi, tôi sẵn sàng xin lui…"[34]
Trần Trọng Kim là người có tư tưởng bảo hoàng cực kỳ mạnh, dù ông biết rõ sự chấm dứt của chế độ phong kiến là xu thế lịch sử không thể xoay chuyển được. Ngay cả khi Nhật đã sắp bại trận, ông vẫn cố phục vụ quân Nhật để mong họ không tước đi ngôi vua Nguyễn. Khi Cách mạng tháng 8 đã nổ ra, ông vẫn tìm cách níu kéo ngai vàng cho Nhà Nguyễn.
Nhà phê bình Quan Văn Đàn nhận xét: Vua Bảo Đại chỉ là bù nhìn trong tay người Pháp và người Nhật, thế mà Trần Trọng Kim vẫn chấp nhận phục vụ phát xít Nhật để tìm cách giữ ngôi vua cho Bảo Đại. Trần Trọng Kim đã được Việt Minh khoản đãi rất tốt, nhưng ông vẫn bỏ ra nước ngoài để theo vua Bảo Đại (và Bảo Đại lúc đó thì đang nhận sự tài trợ tiền bạc của Pháp, thế lực đã quay lại xâm chiếm Việt Nam). Dù sớm nhận ra sự giả dối của Pháp và về nước, nhưng Trần Trọng Kim vẫn có những bài viết, cuốn sách với nội dung bài xích Việt Minh và phong trào kháng chiến chống Pháp do Việt Minh lãnh đạo chỉ vì họ đã buộc Bảo Đại thoái vị. Vì lòng trung thành với một vị vua mà đi ngược lại phong trào kháng chiến của dân tộc, thì có thể coi Trần Trọng Kim là "ngu trung" và rất mâu thuẫn với một người được giáo dục theo tinh thần Cộng hòa của nước Pháp[35].
Nhà thơ Nguyễn Hải tỏ ra trân trọng đóng góp về học thuật của Trần Trọng Kim, nhưng phê phán việc ông phục vụ quân phát xít Nhật[36]:
- Một tài năng tầm cỡ
- Một tiết tháo hoen mờ!
- Một cái tên, liệu rồi mai một, một mai!…
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh nhận xét:
- Ông bị lôi cuốn vào hoạt động chính trị, mặc dầu sự hiểu biết chính trị của ông không sâu sắc, không thức thời. Ông bị người ta (Nhật) dùng làm con bài, mà vẫn tưởng là họ cho ông ra đóng góp với dân tộc. Tư tưởng của Trần Trọng Kim là tư tưởng luân lý phong kiến. Đọc sách Nho giáo của ông, mọi người thấy rõ điều này. Cho đến khi gặp bế tắc, ông vẫn cứ phải loay hoay với lý thuyết của Khổng Tử (qua câu cuối cùng của ông nói với Phạm Khắc Hòe về việc đi ở ẩn), do đó mà bế tắc lại càng bế tắc.[37]
Về vai trò của chính phủ Trần Trọng Kim
Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, chiến tranh thế giới thứ 2 đang xảy ra. Nhật đã giành quyền ảnh hưởng tại Đông Dương từ tay Pháp, Nhật cần 1 chính phủ mới tại Việt Nam phụ thuộc, ủng hộ các quyền lợi của mình tại chiến lược bành trướng châu Á Thái Bình Dương. Pháp, các đế quốc châu Âu muốn giữ quyền lợi vốn có của mình tại các nước thuộc địa Đông Nam Á. Nước Mỹ, lực lượng chính của phe Đồng Minh tại mặt trận Thái Bình Dương muốn ngăn chặn và triệt tiêu ảnh hưởng của Nhật. Tình hình trong nước trở nên hỗn loạn khi Nhật đảo chính, kiểm soát tại các vùng quê của chính quyền mới rất yếu kém, lực lượng quản lý hành chính chưa kịp đào tạo, lực lượng an ninh quân sự phụ thuộc vào Nhật.[cần dẫn nguồn]
Chính phủ Trần Trọng Kim thường được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mô tả trong các tài liệu nghiên cứu chuyên môn trước và sau năm 1975, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là bù nhìn của Nhật.[38][39][40][41] Giới sử học phương Tây thì coi Đế quốc Việt Nam là một dạng chính phủ bù nhìn do Nhật thành lập tại các nước bị họ chiếm đóng trong thế chiến thứ 2 như Mãn Châu quốc, Chính phủ Uông Tinh Vệ, Mông Cương, Đệ nhị Cộng hòa Philippines... Cùng với sự bại trận của Nhật Bản trong Thế chiến, tất cả các chính phủ này đều tự sụp đổ hoặc bị Đồng Minh giải thể trong năm 1945[42] Chính phủ Trần Trọng Kim được phương Tây coi là một bộ phận của chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật nhằm chiếm đóng Đông Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó các chính quyền bản xứ phải vận động người dân và nền kinh tế trong nước phục vụ cho lợi ích của Đế quốc Nhật Bản[43].
Trong bản Tuyên cáo trước quốc dân về đường lối chính trị, dưới sự khống chế của Nhật Bản, nội các Trần Trọng Kim tuyên bố: “quốc dân phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua”. Bản Tuyên cáo của Chính phủ Trần Trọng Kim làm nhân dân bàn tán xôn xao, vì Đức đã bại trận, Nhật Bản cũng khó tránh khỏi thất bại, cho nên Trần Trọng Kim lại phải tuyên bố để trấn an dư luận: “Việc nước Đức đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật và Việt Nam… Sự bại trận ấy không thể giảm bớt lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản đeo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á… ta chỉ phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất, nền độc lập của chúng ta có như thế mới thật vững bền”. Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của nhà Nguyễn nói về bản Tuyên cáo: “Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng…”[28].
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Ba, nhận xét rằng "nền độc lập" của Đế quốc Việt Nam rõ ràng chỉ là giả hiệu bởi những lý do sau[44]:
- Một nước độc lập phải có một Chính phủ được toàn dân bầu ra, có bộ máy Nội các đầy đủ, hoàn toàn độc lập. Nội các Trần Trọng Kim thì hoàn toàn không do quốc hội lập ra, cũng không có hiến pháp, và cũng không được toàn dân ủng hộ. Chính phủ này cũng không có Bộ Quốc phòng, không có quân đội, không có Bộ Công an, việc giữ an ninh quốc gia, tuyên truyền do quân Nhật nắm giữ.
- Chính phủ Trần Trọng Kim đã để mặc (hoặc không dám ngăn cản) việc quân Nhật vơ vét lương thực của người dân Việt Nam, gây ra nạn đói kinh hoàng làm chết hơn 2 triệu người ở nhiều tỉnh miền Bắc.
- Câu nói cuối cùng trong bản "Tuyên cáo độc lập" của Đế quốc Việt Nam là "Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên”, tự điều đó cho thấy chính phủ này phải lệ thuộc chặt chẽ vào Đế quốc Nhật Bản
- Ngày 25/8/1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tại Ngọ Môn, sau đó trao ấn tín cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu. Bảo Đại nói: “Trẫm muốn làm dân một nước độc lập, hơn làm Vua một nước bị trị”. Câu nói này chứng tỏ Bảo Đại thừa nhận trước đó nước Việt Nam chưa có được độc lập, và chính Bảo Đại đã “khai tử” bản Tuyên ngôn Độc lập giả hiệu mà ông phải đọc từ sức ép của Đế quốc Nhật.
Chính phủ Trần Trọng Kim muốn lợi dụng Nhật để hất cẳng hoàn toàn ảnh hưởng của Pháp, và tăng cường ý thức phản kháng của người dân khi quân Pháp trở lại, nhưng bản thân họ cũng bị Nhật biến thành bù nhìn. Chớp lấy thời cơ Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, phải giải giáp vũ khí, lực lượng Việt Minh đã ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", kêu gọi dân chúng biểu tình, bãi công, giành lấy chính quyền. Sau khi chính quyền Việt Minh được thành lập, nhiều nhân vật của chính phủ Trần Trọng Kim đã tham gia vào chính phủ của Việt Minh.[21] Còn Trần Trọng Kim, do tư tưởng bảo hoàng quá cao nên ông vẫn bài xích Việt Minh vì cho rằng họ có tội "tiếm đoạt ngôi vua", và từ chối hợp tác với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập.
Phan Anh, bộ trưởng bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim và cũng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của chính phủ Việt Minh, đã trả lời cuộc phỏng vấn của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson năm 1989:
- "… Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình… Chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, công chức làm việc đó, đòi Nhật làm việc đó.
- Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là "đồng tác giả", không phải là "kẻ hợp tác" với họ; phải giữ thế trung lập".[45]
- "… Lấy tư cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự… Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã quyết định không có bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi kéo chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy chúng tôi lập Bộ Thanh niên. Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng và gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi vận động một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh. Cùng theo đuổi một mục tiêu như nhau mà!"…[45]
Khi phát xít Nhật sắp bại trận, ngày 8/5/1945, Trần Trọng Kim vẫn còn phải ra bản tuyên cáo, yêu cầu quốc dân "phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất. Nền độc lập của chúng ta có như thế mới vững bền" (Việt Nam tân báo ra ngày 18/5/1945). Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của triều Nguyễn nhận xét rằng: Trần Trọng Kim ra sức giữ ngôi báu cho nhà Nguyễn nên sẵn sàng phục vụ cho phát xít Nhật. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Trần Trọng Kim ra sức phản đối, tuy nhiên các thành viên khác trong nội các đã ủng hộ Cách mạng nên Trần Trọng Kim không làm gì được[28]:
- “Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng… Ngày 17-8, chính phủ họp. Ông Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phát biểu: “Toàn dân thắt chặt đoàn kết chung quanh tổ chức mạnh nhất, hăng hái nhất, tức là Việt Minh, làm cho nước ngoài không thể giở thủ đoạn “chia để trị” ra được nữa. Vậy, tôi đề nghị chúng ta rút lui ngay, nhường hẳn quyền bính cho Việt Minh. Theo tôi nghĩ thì cả Hoàng đế cũng nên rút lui”. Câu nói này làm cho Trần Trọng Kim nhảy dựng người lên, nghiêm khắc lên án Trần Đình Nam dám đòi nhà vua bỏ ngôi báu. Một cuộc tranh luận sôi nổi dấy lên.
- Các bộ trưởng có thiện chí đều xin từ chức. Chính phủ Trần Trọng Kim không thể tồn tại được. Ông Trần Trọng Kim có muốn duy trì nó cũng không được. Ông đành ấm ức chấp nhận thực tế phũ phàng chứ không phải tự nguyện nhường quyền cho Việt Minh.
- Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập sau cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 là kết quả của cuộc đấu tranh lâu đài, gian khổ, đầy hy sinh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Pháp, Nhật và tay sai, chứ đâu phải là một chính phủ chuyển tiếp êm thấm. Càng không phải là nhờ thiện chí của ông Thủ tướng Trần Trọng Kim!
Sự bất lực trước thời cuộc
Ở Việt Nam, đa số quần chúng tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với sự "độc lập" do quân đội Nhật dựng nên. Ngày 17/3/1945, ở các hương thôn, lý trưởng được lệnh tổ chức dân chúng mừng sự ra đời của Đế quốc Việt Nam tại các đình làng, nhưng không khí rất ảm đạm:
- "Cửa đình mở rộng, trước sân đình có cờ, chuông, trống, như ngày cúng Thần. Hội đồng xã chỉ lưa thưa có mấy ông. Dân chúng chẳng ai đến cả, trừ một số chức việc có phận sự trong làng. Đến giờ, chuông trống nổi dậy, hương xã làm lễ tế Thần. Lý trưởng đọc lời ‘tuyên cáo độc lập’. Y như một bài văn tế. Xong, chiêng trống tiếp tục và buổi lễ chấm dứt không đầy 30 phút. Không một tiếng vỗ tay. Không một lời hoan hô. Các ông làng xã, khăn đen áo dài khệ nệ như trong các đám cúng Thần theo nghi lễ cổ truyền, lặng lẽ đóng cửa đình sau khi dọn dẹp"[46]
Việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn để dẫn dụ ông, chứ bản thân ông tự ý thức bản thân mình bất lực, họ trao quyền cũng chỉ để biến ông thành bù nhìn.[46] Trong thư viết ngày 8/5/1947 tại Sài Gòn gửi học giả Hoàng Xuân Hãn, ông Trần Trọng Kim nói về tình hình yếu kém của Đế quốc Việt Nam năm 1945, sự bất lực của ông và vai trò tiếp quản của Việt Minh như sau:[11]
- "Còn về phương diện người mình (Đế quốc Việt Nam), thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái quốc, nhưng cái lòng ái quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa vị và quyền lợi, thành ra tranh giành nhau, nghi kỵ nhau rồi lăng mạ lẫn nhau... Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà mình thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái địa vị bàng quan mà thôi... Tôi vẫn biết việc chống Pháp chỉ có Việt Minh mới làm nổi... Nay Việt Minh đứng vào cái địa vị chống Pháp, tất là có cái thanh thế rất mạnh...".
Tác phẩm
Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ về các lĩnh vực sử học, văn học, nghiên cứu và sư phạm gồm:
- Sơ học luận lý (1914)
- Vương Dương Minh (1914)
- Việt Nam văn phạm (Hợp soạn, 1941)
- Luân lý giáo khoa thư (1916)
- Sư phạm khoa yếu lược (1916)
- Sơ học An Nam sử lược (1917)
- Sư phạm yếu lược (1918)
- Việt Nam sử lược (1919). Đây được coi là quyển sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, có phong cách ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu, thích hợp với trình độ của đại chúng nên được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên thời gian biên soạn quá ngắn nên sách có rất nhiều chi tiết sai sót, sau này Trần Trọng Kim đã hiệu đính lại 2 lần nhưng vẫn còn nhiều lỗi sai.
- Truyện Thúy Kiều chú giải (1925)
- 47 điều giáo hóa triều Lê (có bản dịch ra tiếng Pháp- 1928)
- Nho giáo (3 tập từ 1930-32)
- Vương Dương Minh (1934)
- Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay (1938)
- Phật Lục (1940)
- Quan niệm về nhân sinh, Vũ trụ đại quan (1943)
- Quốc văn giáo khoa thư, 3 tập: lớp Đồng ấu, Dự bị, và Sơ đẳng (soạn cùng Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận; Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ)
- Việt Nam văn phạm (cùng Bùi Kỷ, Nguyễn Mạnh Tường) (1941).
Sau năm 1945, ông viết hồi ký Một cơn gió bụi (1949), tóm lược quãng đời làm chính trị của ông trong giai đoạn 1942 - 1948. Nó nói lên suy nghĩ của ông về các sự kiện xảy ra trong nước thời bấy giờ như sự thành lập chính phủ của Đế quốc Việt Nam, Cách mạng tháng Tám, sự cầm quyền của Việt Minh, cùng Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Năm 2017, bản in lại theo bản của Vĩnh Sơn tại Sài Gòn năm 1969 bị Cục Xuất bản, In và Phát hành thu hồi với lý do cuốn sách này có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng[47] Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, tập hồi ký này của Trần Trọng Kim cả về nội dung và nghệ thuật đều chưa đạt, nhiều sự kiện ông né tránh không dám trình bày vì mang tiếng xấu cho bản thân ông (việc ông phục vụ phát xít Nhật, nạn đói năm Ất Dậu khiến 2 triệu người chết mà ông cũng gián tiếp chịu trách nhiệm). Một số chi tiết cũng không hoàn toàn trung thực, có lẽ vì Trần Trọng Kim viết cuốn hồi ký này trong một tâm trạng ngao ngán và không thức thời do hoạt động chính trị liên tục thất bại[48]
Chú thích
- ^ a ă Justin Corfield (2013). Historical Dictionary of Ho Chi Minh City. Nhà xuất bản Anthem Press. ISBN 0857282352. Trang 299.
- ^ Bằng Giang (1999). Sài Côn cố sự 1930-1975. Nhà xuất bản Văn học. Trang 111.
- ^ a ă Huỳnh Kim Khánh (1986). Vietnamese Communism, 1925-1945. Nhà xuất bản Đại học Cornell. ISBN 0801493978. Trang 295.
- ^ Quốc Liên Mai, Văn Lưu Nguyễn, Hoài Anh, Minh Đức Hà (2004). Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tập 5, Phần 2. Nhà xuất bản Văn học. Trang 859.
- ^ “Trần Trọng Kim học giả”. Báo Tia sáng, bộ Khoa học và Công nghệ. Truy cập 2 tháng 7 năm 2014.
- ^ a ă â Quốc Liên Mai, Văn Lưu Nguyễn, Hoài Anh, Minh Đức Hà (2007). Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Tập 3, Phần 1. Nhà xuất bản Văn học. Trang 621.
- ^ Trần Văn Giáp (2007). Lược truyện các tác giả Việt Nam, Tập 2. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Trang 121.
- ^ Lữ Giang (1999). Những bí ẩn đằng sau cuộc chiến Việt Nam, Tập 1. Trang 190.
- ^ Xem hồi ký 'Những cơn gió bụi'
- ^ Guy Faure, Laurent Schwab (2008). Japan-Vietnam: A Relation Under Influences. Publisher NUS Press. ISBN 9971693895. Trang 27.
- ^ a ă â "Nhận thức lại" hay xuyên tạc và phủ nhận lịch sử ?, THIÊN PHƯƠNG, Báo Nhân dân, 13/03/2015 Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “nhandan” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ Nguyễn Kỳ Nam. Hồi ký 1925-1964. Tập 2, trang 166
- ^ Justin Corfield. Historical Dictionary of Ho Chi Minh City. Publisher Anthem Press. ISBN 0857282352. Trang 138. "Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập".
- ^ Nghia M. Vo (2011). Saigon: A History. Publisher McFarland. ISBN 0786486341. Trang 112.
- ^ Phạm Khắc Hòe (1983). Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Nhà xuất bản Hà Nội. [cần số trang]
- ^ Masaya Shiraishi trích trong L Indochine française (Đông Dương thuộc Pháp) của Paul Isoart, Nhà xuất bản Presses Universitaires Françaises, 1982
- ^ Bảo Đại, hay là những ngày cuối cùng của vương triều An Nam, Daniel Grandcléme. Nhà xuất bản Phụ nữ. Trang 184
- ^ Ngô Văn Quỹ: Đêm dài Nhật – Pháp bắn nhau – Nhà xuất bản Trẻ, 2001. Trích: “Il-y-a un grand malentendu au sujet de l’idépendance de l’Indochine. Celle ci tout entière est sous le contrôle militaire du Japon. L’indépendence de l’Empire d’Annam et cellce du Cambodge on été pro clameés. La Cochinchine, non seulement se trouve sous le contrôle militaire du Japon, mais encore sous l’aminis tration militaire japonaise. Donc, pas l’idépendance de la Cochinchine…”
- ^ a ă â b c “Trần Trọng Kim, chính khách bất đắc dĩ?”. Báo Tia Sáng. Truy cập 3 tháng 7 năm 2014.
- ^ Thomas Hodgkin (1981).Vietnam: the revolutionary path. Nhà xuất bản Macmillan. Trang 362.
- ^ a ă â “Lệ thần Trần Trọng Kim (1883 - 1953): Học giả & Chính khách”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Truy cập 3 tháng 7 năm 2014.
- ^ a ă http://tuanbaovannghetphcm.vn/su-that-lich-su-khong-the-to-hong-khong-the-boi-den/
- ^ http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-ngay-lam-vua-cuoi-cung-cua-hoang-de-bao-dai-ky-2-thong-diep-gui-tuong-de-gaulle-604356.html
- ^ Nội các Trần Trọng Kim với Trường Thanh niên tiền tuyến Huế năm 1945. Tạp chí Huế - Xưa và Nay. Số tháng 7,8 năm 2005.
- ^ Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng (ngày 15 tháng 4 năm 2006). “Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945”. Đài Á Châu Tự do. Truy cập ngày 27 tháng 8 năm 2013.
- ^ a ă Organization and order or batte of militaries in World war II: Germany's and Imperial Japan's allies & Puppet states. P 5-7
- ^ Dommen, Arthur J. The Indochinese Experience off the French and the Americans, Nationalism and Communism in Cambodia, Laos, and Vietnam. Bloomington, IN: Indiana University Press, 2001. 101-756.
- ^ a ă â b c d đ http://tuanbaovannghetphcm.vn/thuc-chat-chinh-phu-tran-trong-kim-va-long-yeu-nuoc-cua-ong-thu-tuong/
- ^ PGS. TS. Phạm Hồng Tung. Nội các Trần Trọng Kim: Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử. Chương 2. Bản tóm tắt.
- ^ “Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh tin trí thức”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Truy cập 3 tháng 7 năm 2014.
- ^ 'Tưởng nhớ Phan Anh' do Hoàng Xuân Hãn viết, tập I. Tạp chí Hồng Lĩnh, số 6 năm 1993
- ^ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) do Hữu Ngọc - Nguyễn Đức Hiền biên soạn. Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr. 370-378.
- ^ Lê Trọng Nghĩa, "Các Cuộc Tiếp Xúc Giữa Đại Diện Việt Minh Với Chính Phụ Trần Trọng Kim", trong Xưa và Nay, số 5 (06), VIII,. 1994, tr. 4 6 và số 6 (07), IX, 1994, tr. 9 -.
- ^ Một đoạn trong sách của G.S Lê Xuân Khoa (SĐD): "Khoảng tháng 6-1945
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/phe-binh-viet-nam-su-luoc/
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/phe-binh-viet-nam-su-luoc/
- ^ Vũ Ngọc Khánh (26 tháng 11 năm 2009). “Bàn thêm về Trần Trọng Kim”. Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 11 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2011.
- ^ Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục, 1998, tr. 370-378.
- ^ 'Việt Nam: Những Sự Kiện Lịch sử (1919 – 1945)' của Dương Trung Quốc
- ^ 'Lịch sử Việt Nam Giản Yếu'. Nhà Xuất Bản Chính trị Quốc gia
- ^ Lịch sử Việt Nam, tập II. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1989.
- ^ Organization and order or batte of militaries in world war ii: germany's and imperial japan's allies & Puppet states. P 5-7
- ^ Lebra, Joyce C. Japan's Greater East Asia Co-Prosperity Sphere in World War II: Selected Readings and Documents. New York: Oxford University Press, 1975, p. 157, 158, 160
- ^ http://tuanbaovannghetphcm.vn/ve-hai-ban-tuyen-ngon-doc-lap/
- ^ a ă “Giáo sư Stein Tonnesson phỏng vấn Bộ trưởng Phan Anh”. Nghĩ về nước Việt. Truy cập 3 tháng 7 năm 2014.
- ^ a ă http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tan-man-nhan-vat-lich-su-tran-trong-kim-qua-nhung-trang-hoi-ky
- ^ Hồi ký 'Một Cơn Gió Bụi' của Trần Trọng Kim bị thu hồi, BBC, 27.6.2017
- ^ https://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/ban-them-ve-tran-trong-kim
No comments:
Post a Comment