Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên hay đôi khi được viết là Minh Viên, là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam. Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 9 năm 1946), trước đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: cụ Huỳnh.
Theo tên chữ Hán trên trang bìa quyển Tập diễn-văn của ông Hoàng-Thúc-Kháng, in năm 1926 thì đúng ra đọc (và viết) tên ông phải là Hoàng Thúc Kháng. Tuy nhiên, do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, họ Hoàng phải đổi thành Huỳnh. Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Huỳnh. Tuy vậy, vẫn có sách dùng Hoàng Thúc Kháng.
Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Cha ông là cụ ông Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, xuất thân nhà nông hào nhưng cũng học qua Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Mẹ ông là cụ bà Nguyễn Thị Tình, người làng Hội An nhưng cư ngụ làng Phú Thị (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), em ruột Phó bảng Nguyễn Đình Tựu.
Nguyên tên ông là Huỳnh Văn Thước, là con trai thứ 4 và là con trai út trong nhà, nhưng vì 2 anh trai mất sớm, chị gáicả Huỳnh Thị Duật sinh năm 1873, lấy chồng tại Hương Lâm, Tứ Chánh nay thuộc xã Tiên Hiệp - huyện Tiên Phước - tỉnh Quảng Nam nên ông là người con trai duy nhất. Bởi sự kỳ vọng của song thân, từ nhỏ ông đã được rèn dạy để tiến thân bằng khoa cử.
Ông bắt đầu học chữ Nho từ năm 8 tuổi dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu, đổi tên là Huỳnh Hanh, tự là Giới Sanh. Năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm 1900, ông đậu Giải nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa.
Năm Giáp Thìn 1904, ông đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân.
Lãnh đạo phong trào Duy Tân[sửa | sửa mã nguồn]
Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.
Hoạt động trong Nghị viện Trung Kỳ[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, ông từ chức.
Sáng lập báo Tiếng Dân[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân - một tờ báo được xuất bản tại Huế vào năm 1927 và bị chính quyền thời bấy giờ đình bản năm 1943.
Tham gia Chính phủ Liên hiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo sử gia Trần Trọng Kim thì trong thời gian này, khi được hỏi về công việc, Huỳnh Thúc Kháng đã nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi".[1]
Năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam. Thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Cuối năm 1946, ông là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, được một người cháu nuôi trong dòng tộc bảo quản.
Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
"Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc"".
Để tưởng nhớ đến ông nhiều tỉnh thành và thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An,Quảng Bình, Quảng Nam, Hạ Long...có những con đường và ngôi trường THPT mang tên ông.
Ngày 19 tháng 2 năm 2013, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao của ông đối với đất nước.[2]
Huỳnh Thúc Kháng đồng thời là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan... Tác phẩm chủ yếu còn giữ hiện nay là:
Bài thơ Bài ca lưu biệt của ông viết năm 1908, trước khi ông bị đày ra Côn Đảo, từng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời kỳ Pháp thuộc:
- Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
- Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan.
- Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an,
- Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn.
- Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn,
- Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia,
- Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già.
- Nọ núi Ấn, này sông Đà,
- Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.
- Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt,
- Ngựa Tái ông hoạ phúc biết về đâu!
- Một mai kia con tạo khéo cơ cầu,
- Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả.
- Ư bách niên trung tu hữu ngã,
- Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả,
- Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn.
- Trăng kia khuyết đó lại tròn!
“ | Xin có lời chính cáo với người nước ta rằng: không bạo động, bạo động tất chết, không trông người ngoài, trông người ngoài tất ngu. Đồng bào ta, người nước ta ai mà ham mến tự do tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào là Chi bằng học.[3] | ” |
“ | Hồ Chí Minh tiên sinh là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm. Nói về bằng cấp thì cụ Hồ không là Tiến sĩ, Phó Bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ rất vì đại nghĩa, là một tay cao cờ, dưới lại có đội ngũ những người giúp việc tài năng, thông minh lắm, giỏi giang lắm, tin tưởng lắm, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng[4] | ” |
No comments:
Post a Comment