Kitô giáo (thuật ngữ phiên âm) hay Cơ Đốc giáo (thuật ngữ Hán Việt) là một trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham,[1][2][gc 1] đặt nền tảng trên giáo huấn, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô như được ký thuật trong Kinh thánh Tân Ước.[3]Kitô hữu (Cơ Đốc nhân) tin rằng Giêsu là Con của Thiên Chúa và là Đấng Messiah của người Do Thái như đã được tiên báo trong Kinh thánh Cựu Ước. Thuộc tôn giáo độc thần,[4] hầu hết Kitô hữu tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất hiện hữu trong ba thân vị (tiếng Hy Lạp: hypostasis) gọi là Ba Ngôi.[5] Kitô giáo đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa và văn minh phương Tây.
Trải qua hai thiên niên kỷ, các bất đồng về thần học và giáo hội học đã hình thành các hệ phái khác nhau. Bốn nhánh chính hiện nay của Kitô giáo là Công giáo Rôma, Kháng Cách, Chính thống giáo Đông phương, và Chính thống giáo Cựu Đông phương. Công giáo Tây phương, Chính thống giáo Đông phương và Chính thống giáo Cựu Đông phương cắt đứt hiệp thông với nhau trong cuộc Ly giáo Đông–Tây năm 1054 và cuộc Ly giáo Chalcedon khởi đầu năm 451. Kháng Cách (cũng thường gọi là Tin Lành), không phải là một hệ phái đơn nhất nhưng là thuật từ nhóm hợp, phát sinh từ cuộc Cải cách Kháng nghị thế kỷ 16. Tính chung, Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới với khoảng 2,3 tỉ tín hữu, chiếm hơn 31% dân số thế giới (năm 2015).[6]
Từ nguyên của "Kitô" là Χριστός (Khristos) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là "Đấng được xức dầu", dịch theo danh hiệu Messiah trong tiếng Hebrew. Trong tiếng Việt, người Công giáo dùng từ "Kitô" để gọi danh hiệu này của Chúa Giêsu, trong khi người Tin Lành thường dùng từ "Christ". Bên cạnh từ "Kitô" phiên âm qua tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng bởi tín hữu Công giáo, còn có từ "Cơ Đốc" xuất phát từ chữ Nho (基督) và thường được tín hữu Tin Lành sử dụng. Ngoài ra, một số người cũng dùng cách gọi Thiên Chúa giáo để chỉ Công giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung.
Khởi nguyên[sửa | sửa mã nguồn]
Theo Kinh thánh, Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ, muôn loài trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Ông Adam và bà Eva là tổ phụ của loài người, không nghe lời Thiên Chúa đã ăn trái của "cây biết điều thiện điều ác" (trái cấm) nên bị Thiên Chúa đuổi khỏi Vườn địa đàng. Hai người này truyền tội lỗi (gọi là tội tổ tông, nguyên tội) cho con cháu là loài người. Bởi loài người mang tội, Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và chịu khổ hình để loài người được hòa giải với Thiên Chúa.
Vậy tâm điểm việc cứu rỗi của Kitô giáo là Chúa Giêsu, do đó trọng tâm của cuộc sống Kitô hữu là niềm xác tín rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa giáng trần, là Đấng Mê-si-a. Danh hiệu "Messiah" có nguồn gốc từ tiếng Hebrew מָשִׁיחַ (māšiáħ), nghĩa là "đấng được xức dầu", chuyển ngữ sang tiếng Hy Lạp là Χριστός Khristos.[7]
Kitô hữu tin rằng, là Đấng Messiah, Giêsu được Thiên Chúa xức dầu để tể trị và cứu rỗi nhân loại, Giêsu đến để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah trong Cựu Ước. Trọng tâm của đức tin Kitô giáo là qua sự chết và phục sinh của Giêsu, con người tội lỗi được phục hòa với Thiên Chúa, nhờ đó mà nhận lãnh sự cứu rỗi và lời hứa được hưởng sự sống đời đời.
Trong khi những tranh luận thần học về bản thể của Giêsu vẫn đang tiếp diễn, thì phần lớn Kitô hữu tin rằng Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu "là Thiên Chúa và là con người" trong ý nghĩa trọn vẹn của cả hai bản tính. Vì Chúa Giêsu là người nên phải trải qua những đau khổ và bị cám dỗ như con người bình thường, nhưng không hề phạm tội. Vì là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đánh bại quyền lực sự chết và sống lại từ kẻ chết. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết,[8] đặt Chúa Giêsu ngồi bên hữu của Chúa Cha và Ngài sẽ trở lại để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah như sự phục sinh, sự phán xét sau cùng và sự thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa.
Kitô giáo được biết đến từ thế kỷ thứ nhất khi các môn đồ của Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu tại thành Antiochia xứ Syria (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), nơi họ đến để lánh nạn và định cư sau những cuộc bức hại đầu tiên tại xứ Judea. Nền thần học của Kitô giáo sơ khai được thành lập và truyền bá bởi sứ đồ Phaolô và các sứ đồ khác.
Theo Tân Ước, Chúa Giêsu tự xưng mình là Đấng Messiah mà dân Do Thái vẫn hằng mong đợi, nhưng đã bị nhóm lãnh đạo Tôn giáo và Dân sự cũng như dân chúng chối từ và bị xem như là chống lại Đền thờ và luật lệ thời đó. Ngài cũng bị buộc tội phạm thượng do dám gọi Thiên Chúa là Cha và bị kết án tử hình bởi chính quyền La Mã vào năm 30. Tuy nhiên Giêsu được Pontius Pilatus, tổng trấn người La Mã, gọi là "Vua của dân Do Thái".
Theo các sách Phúc âm, người La Mã buộc tội Giêsu vì muốn xoa dịu sự bất bình của giới cầm quyền Do Thái, nhưng một số học giả cho rằng đó là cách mà Đế chế La Mã trừng phạt những người chống đối họ. Kitô hữu tin rằng Cựu Ước đã tiên báo cái chết và sự sỉ nhục mà Giêsu phải chịu như đã chép trong Tân Ước. Sách Isaiah ngụ ý rằng Giêsu bị vả, nhổ, đấm vào mặt (Isaiah 50.6, 52.14-15; Matthew. 26.67-68; Mark 14.65), bị đánh bằng roi (Isaiah 53.5; John 19.1; Matthew 27.26) cũng như bị sỉ nhục.
Kitô hữu xem sự phục sinh của Giêsu là nền tảng của đức tin và là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.[9] Theo Tân Ước, Giêsu là tâm điểm của Kitô giáo, bị đóng đinh trên thập tự giá, chết và mai táng trong mộ, đến ngày thứ ba thì sống lại.[10] Theo ký thuật của Tân Ước, sau khi sống lại, Giêsu, trong những lần khác nhau tại những địa điểm khác nhau, đã đến gặp mười một sứ đồ và các môn đồ, trong đó có lần xuất hiện trước sự chứng kiến của "hơn năm trăm người",[11] sau đó thì về trời.
Các sứ đồ của Giêsu là nhân chứng về cuộc đời, lời giảng và sự sống lại của Giêsu. Ngoài ra còn có nhiều môn đồ (đến 70 người) trong đó có Giacôbê, Máccô, Luca, Maria Mađalêna..., những người này theo Giêsu trong các cuộc hành trình và họ chứng kiến khi Giêsu giảng dạy và làm nhiều phép lạ. Sau khi Giêsu bị đóng đinh, các sứ đồ và các môn đệ khác công bố rằng Giêsu đã sống lại từ cõi chết và họ khởi sự rao giảng thông điệp mới. Các sứ đồ và môn đệ này đã viết các sách Phúc âm và các Thư tín.
Trong số 27 sách của Tân Ước, nhiều quyển được viết bởi Phaolô. Ông là tác giả của mười bốn thư tín và một số truyền thuyết cho rằng ông cũng là tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái. Phúc âm Luca và sách Sách Công vụ Tông đồ được viết bởi Luca, người chịu ảnh hưởng trực tiếp của Phaolô. Phaolô là môn đồ của Gamaliel (Cv 22.3), một nhân vật có thanh thế trong toà công luận (Cv 5.34-40). Phaolô được xem như là nhà truyền giáo quan trọng nhất rao giảng thông điệp Kitô cho thế giới bên ngoài.
Hội thánh sơ khai[sửa | sửa mã nguồn]
Trong suốt ba thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo lan truyền nhanh chóng trong khu vực Địa Trung Hải và được truyền bá ra cả bên ngoài Đế quốc La Mã:
Vào thời kỳ ban đầu, Hội thánh bao gồm hai cộng đồng: Do Thái và Hy Lạp. Trong khi cộng đồng Do Thái, phần đông là các tín hữu gốc Do Thái, muốn duy trì một số tập tục và nghi thức của Do Thái giáo (Judaism) như phép cắt bì và một số kiêng cữ khác thì cộng đồng Hy Lạp, những người chịu ảnh hưởng từ thế giới nói tiếng Hy Lạp, tin rằng thông điệp của Kitô giáo nên được truyền bá theo các phương pháp thích hợp hơn với thế giới Hellenistic bên ngoài.
Một trong những nhà trước tác quan trọng đầu tiên của Kitô giáo, Tertullianus, đã viết cho một quan tổng đốc Đế chế La Mã về sự phát triển của Kitô giáo tại Carthago rằng mới hôm qua họ chỉ là một nhóm nhỏ, "nay có mặt khắp mọi nơi – các đô thị, hải đảo, trong thành lũy, thị trấn, chợ, ngay cả trong trại lính, tại các bộ tộc, lâu đài, nghị viện; chúng tôi chẳng để lại gì cho quý vị ngoại trừ các nơi thờ phụng các thần linh của quý vị mà thôi." (Bài biện giáo viết tại Carthago, năm 197).
Trong vòng vài thế kỷ đầu tiên, các Giáo Phụ, là các nhà thần học và triết học khoa bảng, như Justinô Tử đạo, Origenes và Augustinus đã phát triển nền thần học và triết học Kitô giáo.
Suốt thời kỳ này, trong khi đang phát triển mạnh mẽ, Hội thánh cũng phải trải qua các cơn bách hại. Ngay từ những ngày đầu tiên, Kitô giáo là mục tiêu của những sự bách hại, dẫn đến sự tử đạo của Stêphanô[12] và Giacôbê, con của Zêbêđê.[13] Những đợt bách hại ở quy mô lớn hơn, dù không thường xuyên nhưng dữ dội, xảy ra dưới thời trị vì của các hoàng đế La Mã như Nero, Valerianus, Diocletianus và Galerius. Cuộc đời của những người tử đạo, thà chết chứ không chối bỏ đức tin, trở nên biểu trưng cho đức hạnh cao quý nhất. Các bản dịch Kinh Thánh sớm nhất bắt đầu xuất hiện, danh sách quy điển Tân Ước được đồng thuận. Hệ thống phẩm trật được củng cố: các giám mục thành Roma, Alexandria và Antiochia đều được công nhận danh hiệu Trưởng phụ.
Hoàng đế La Mã Galerius, trước khi chết, ban chiếu chỉ Galerius ngưng mọi hoạt động bách hại. Hoàng đế Constantinus I gặp thị kiến năm 312 và một năm sau đó ban hành chiếu chỉ Milano hợp pháp hóa Kitô giáo. Dù vậy, các cuộc bách hại được tái lập dưới triều Julianus Kẻ bội giáo (361-363), người muốn phục hồi cựu giáo trên lãnh thổ đế quốc. Tuy nhiên, vào năm 380 dưới triều hoàng đế Theodosius I, Kitô giáo được công nhận làm quốc giáo với chiếu chỉ Thessalonica. Trước đó, điều tương tự đã xảy ra tại các xứ láng giềng Armenia và Gruzia, cũng như tại Ethiopia. Nhưng tại Đế quốc Ba Tư vốn luôn đối nghịch với Đế quốc La Mã, Kitô hữu phải chịu nhiều áp bức từ Nhà Sassanid muốn củng cố lại địa vị của Hỏa giáo.
Tại Đế quốc Ba Tư, vào năm 410 giám mục thành Seleucia-Ctesiphon miền Assyria đã thay thế Thượng phụ thành Antiochia để giữ thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội Phương Đông (Cảnh giáo). Trong thời kỳ ly giáo Nestorian, giáo hội này cắt đứt quan hệ với phương Tây. Trong suốt một thiên niên kỷ đã trở thành giáo hội có nhiều ảnh hưởng tại châu Á với các giáo phận được thành lập tại những nơi xa xôi như Trung Á, Ấn Độ, Java và Trung Hoa.
Các giáo hội quốc gia[sửa | sửa mã nguồn]
Sự khẳng định thần tính của Giêsu luôn là vấn đề trọng tâm đối với Kitô hữu thời sơ khai. Nhiều nhà trước tác, bao gồm Justinus và Tertullianus chứng thực niềm tin Giêsu là Thiên Chúa,[14][15][16][17][18] trong khi một số các nhóm Kitô giáo khác từ chối chia sẻ niềm xác tín này. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Arius thuyết phục được nhiều người rằng Giêsu chỉ là một tạo vật, dù là tạo vật đầu tiên và cao trọng nhất. Cuộc tranh luận được giải quyết tại Công đồng Nicaea, được triệu tập bởi hoàng đế Constantinus I, nơi học thuyết của Athanasius, một học giả theo thuyết Ba Ngôi, được công nhận là giáo lý chính thức của Hội thánh (xem tín điều Nicaea, tín điều Athanasius). Dù Constantinus I ra lệnh đốt sách của Arius và trục xuất ông, học thuyết của ông vẫn tiếp tục phát triển trong đế quốc suốt vài thập niên và trong vòng các bộ tộc người Goth trong gần hai thế kỷ sau đó.
Các công đồng vẫn tiếp tục được triệu tập để giải quyết các vấn đề thần học. Trong khi các công đồng bàn luận nhằm hợp nhất Kitô giáo thì các hoàng đế ủng hộ các công đồng nhằm bảo vệ sự ổn định chính trị. Một số thuật ngữ thần học được sử dụng tại các công đồng đã bị hiểu nhầm bởi các giáo hội mà ngôn ngữ chính là tiếng Syriac, tiếng Copt hay tiếng Armenia, làm tăng thêm khác biệt và dẫn đến các cuộc ly giáo giúp hình thành các giáo hội quốc gia mà sau này được gọi chung là Chính thống giáo Cựu Đông phương.
Những bất đồng về thần học đều được giải quyết tại các công đồng đại kết, và Kitô giáo đã duy trì được sự đồng thuận về các giáo lý nền tảng trong thiên niên kỷ đầu tiên. Tuy nhiên, trong thiên niên kỷ sau, các bất đồng về thần học và kỷ luật ngày càng trở nên trầm trọng. Cuộc Đại Ly giáo năm 1054 chia cắt Giáo hội thành hai nửa Tây phương và Đông phương. Trong khi giáo hội Tây phương với tên gọi Công giáo Rôma dần dần củng cố quyền lực tập trung vào Rôma thì giáo hội Đông phương với danh xưng "Chính thống" cam kết bảo tồn các truyền thống và đề kháng với mọi thay đổi. Cho đến nay Chính thống giáo Đông phương vẫn duy trì lập trường không đặt giáo hội dưới quyền cai trị của một giám mục duy nhất. Giáo hội Đông phương công nhận Thượng phụ thành Constantinopolis là "người đứng đầu nhưng bình đẳng" với các giám mục khác đang cai quản các giáo hội tự trị trong gia đình Chính thống giáo.[19]
Tại Âu châu, chịu ảnh hưởng từ cuộc Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation) vào thế kỷ 16 nhiều giáo hội đã từ chối thần phục Tòa Thánh vì họ cho rằng có sự lạm dụng trong cơ cấu quyền lực được tập trung vào ngai Giáo hoàng cũng như bên trong cấu trúc quyền lực này đã nảy sinh nhiều sai lạc về thần học và sống đạo.[20] Các vấn đề mấu chốt trong cuộc tranh luận sau này được tóm tắt trong năm mệnh đề sola (xem Năm Tín lý Duy nhất):
- Sola scriptura: Duy Thánh Kinh - thẩm quyền của giáo hội chỉ dựa trên Kinh Thánh được giải thích cách đúng đắn và chuẩn xác chứ không được tách rời khỏi Kinh Thánh[21]
- Sola fide: Duy đức tin – con người được cứu rỗi chỉ bởi tin Đấng Christ (Chúa Kitô) chứ không phải bởi công đức hay là nhờ giáo hội và các thánh lễ
- Sola gratia: Duy ân điển – Sự cứu rỗi được ban cho từ Thiên Chúa, bởi ân sủng của Ngài, con người không thể làm gì để được cứu
- Solus Christus: Duy Chúa Kitô - Chúa Giêsu là đấng trung bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người chứ không phải là giáo hội hay các chức sắc
- Soli Deo gloria: Vinh hiển chỉ dành cho Thiên Chúa - mọi vinh hiển vì sự cứu rỗi nhân loại chỉ dành cho một mình Thiên Chúa chứ không phải giáo hội hay các chức sắc.
Từ cuộc cải cách khởi phát một cuộc tranh chấp dữ dội nhằm thu phục người dân Âu châu. Các cuộc tranh luận giữa người Công giáo và người Kháng Cách dẫn đến những cơn bách hại cũng như các cuộc chiến, kể cả các cuộc nội chiến.
Đức tin Công giáo và Kháng Cách đặt chân đến châu Mỹ (và sau đó là châu Úc) bởi các di dân đến từ châu Âu.
Không theo mô hình trung ương tập quyền như người Công giáo, cũng không tổ chức bộ máy giáo hội trên quy mô quốc gia, các tín hữu Kháng Cách thuộc về hàng chục, và sau này hàng ngàn hệ phái độc lập với nhau. Đức tin Công giáo và Kháng Cách cũng đến châu Phi Hạ Sahara và Viễn Đông cùng lúc với người Âu châu đi mở rộng thuộc địa, đặc biệt là từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Vào cuối thế kỷ 18, Chính thống giáo du nhập vào vùng Alaska thuộc Bắc Mỹ qua các di dân đến từ Nga. Và về sau, vào thế kỷ 20, số lượng di dân Chính thống giáo từ Đông Âu sang các nước phương Tây còn lớn hơn nhiều.
Bắt đầu từ thế kỷ 19, nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng Kitô giáo, đặc biệt tại Tây Âu, ngày càng trở nên thế tục.
Anh giáo | Anh Quốc, Mỹ Ănglê | ||||||||
Cải cách Kháng nghị (thế kỷ 16) | | ||||||||
| Tin Lành | Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ | |||||||
| |||||||||
Công giáo Rôma | Công giáo Latinh | Nam Âu, Tây Âu, Mỹ Latinh | |||||||
hiệp thông | |||||||||
Kitô giáo sơ khởi | Ly giáo Đông-Tây (1054) | | Công giáo Đông phương | Trung Đông, Đông Âu | |||||
Công đồng Ephesus (431) | | Công đồng Chalcedon (451) | | | |||||
| | Chính thống giáo Đông phương | Đông Âu, Cận Đông, Gruzia, Nga | ||||||
| | ||||||||
| Chính thống giáo Cựu Đông phương | Armenia, Syria, Ai Cập, Ethiopia | |||||||
| |||||||||
Cảnh giáo (Giáo hội Phương Đông) | Lưỡng Hà, Ba Tư |
Kitô giáo ngày nay[sửa | sửa mã nguồn]
Kitô giáo là tôn giáo có đông tín hữu nhất, với những con số ước tính từ 1,5 tỉ đến 2,1 tỉ người[22] xưng nhận niềm tin Kitô giáo trong thập niên 1990. Theo Pew Research Center, vào năm 2010, Kitô giáo có khoảng 2,2 tỉ tín hữu (chiếm 32% tổng dân số thế giới), theo sau là Hồi giáo với 1,6 tỉ (23%); Ấn Độ giáo có 1 tỉ (15%); Phật giáo có gần 500 triệu (7%); có hơn 400 triệu người (6%) theo các tín ngưỡng dân gian hay bản địa; trong khi những người không tôn giáo có khoảng 1,1 tỉ (16%).[23]
Kitô giáo chia ra nhiều nhánh, bao gồm hơn 1,1 tỉ người Công giáo,[24] khoảng 800 triệu người theo các hệ phái Kháng Cách (trong đó có 85 triệu tín hữu Anh giáo), 300 triệu người Chính thống giáo, và những giáo hội "ngoại vi" (Nhân chứng Jehovah, Giáo hội Cơ Đốc Phục lâm An thất nhật, Giáo hội Mormon...) có hơn 40 triệu tín hữu. Các giáo phái này tự nhận mình thuộc Kitô giáo nhưng họ không được công nhận bởi cộng đồng Kitô giáo vì cớ các học thuyết không chính thống của họ.
Tuy Kitô giáo là tôn giáo lớn nhất thế giới[25] và đang duy trì nhiều nguồn lực cho việc truyền giáo, mức độ tăng trưởng của Kitô giáo chỉ xấp xỉ mức chung của thế giới. Theo dự đoán, vào nửa sau thế kỷ 21, số lượng dân số Hồi giáo sẽ vượt qua Kitô giáo để trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới.[26]
Không phải mọi người xưng nhận mình là Kitô hữu (Cơ Đốc nhân) đều chấp nhận tất cả, hoặc ngay cả hầu hết, các quan điểm thần học của giáo hội của họ. Giống như người Do Thái giáo, Kitô hữu phương Tây chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Phong trào Khai sáng (Enlightenment) từ cuối thế kỷ 17 tới thế kỷ 18. Có lẽ sự thay đổi quan trọng nhất đối với họ là nguyên tắc phân ly giữa giáo hội và nhà nước, chấm dứt những ưu đãi tôn giáo được nhà nước bảo hộ đã hiện hữu lâu đời tại nhiều nước Âu châu. Ngày nay một người, như là một công dân tự do, có thể bất đồng với giáo hội của mình về các vấn đề khác nhau và có quyền rời bỏ giáo hội tuỳ ý muốn. Trên thực tế, nhiều người đã bỏ giáo hội và phát triển các hệ thống triết lý tôn giáo khác như Thần giáo tự nhiên (Deism), Nhất vị thần giáo (Unitarianism), hoặc trở thành người vô thần (atheist), bất khả tri (agnostic), hay là chủ nghĩa nhân văn thế tục (secular humanist). Một số người ở lại giáo hội đề xuất chủ nghĩa tự do (liberalism) bên trong nền thần học Kháng Cách. Trong Giáo hội Công giáo, chủ nghĩa tân thời (modernism) xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 cũng cổ xúy các quan điểm và hình thức trình bày mới không theo truyền thống giáo hội.
Tại Hoa Kỳ và châu Âu, trào lưu thần học tự do góp phần phát triền não trạng thế tục trong toàn xã hội. Nhiều Kitô hữu ngưng thực hành các bổn phận tôn giáo, mỗi năm chỉ đến nhà thờ vài lần vào những dịp lễ lớn, hôn lễ hoặc tang lễ. Nhiều người trong số họ lớn lên trong những gia đình mà các giá trị Kitô giáo không còn được xem trọng. Bên trong họ là một tình cảm pha trộn đối với đức tin Kitô giáo. Một mặt họ tiếp tục buộc mình vào các giá trị cổ truyền vì lý do bản sắc, mặt khác ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục phương Tây và sự sao lãng do nhịp sống hiện đại bứt giật họ ra khỏi ảnh hưởng còn sót lại của Kitô giáo truyền thống. Hôn nhân giữa Kitô hữu và người không phải Kitô hữu, từng là điều hiếm gặp, nay trở nên phổ biến. Tại một số quốc gia Công giáo lâu đời, nhiều người trở nên bất khả tri[27] hoặc có thái độ dửng dưng tôn giáo (religious indifference).
Vào đầu thế kỷ 20, trào lưu tự do phát triển mạnh tại Âu châu và Bắc Mỹ, đến thập niên 1960, kiểm soát nhiều giáo phái chính lưu (mainline) tại Hoa Kỳ và Canada. Dù vậy, ngày nay trào lưu này đã thoái trào. Vào đầu thế kỷ 21, tuy thế giới thế tục, đặc biệt là các phương tiện truyền thông vẫn xem các nhà thần học tự do như là đại biểu và phát ngôn viên cho Kitô giáo, các nhà thờ theo khuynh hướng tự do đang thu hẹp dần. Một phần là do những nỗ lực của khuynh hướng Phúc âm, phần khác là vì nhiều người trong số họ đang trở lại với các giá trị Kitô giáo truyền thống.
Một vấn nạn của Kitô giáo là họ đánh mất khả năng chuyển giao các giá trị Kitô giáo cho thế hệ kế tiếp. Trong khi các giáo phái chính lưu tại Hoa Kỳ, ngoại trừ Baptist Nam phương (Southern Baptist), đang thoái trào thì các định chế tôn giáo theo khuynh hướng Phúc âm (Evangelical) đang phát triển mạnh, đặc biệt là vào hạ bán thế kỷ 20. Tạp chí Christian Century (Thế kỷ Kitô giáo) có khuynh hướng tự do đang thu hẹp dần để bị thay thế bởi đối thủ đang lớn mạnh có khuynh hướng phúc âm là tạp chí Christianity Today (Kitô giáo Ngày nay). Tại phương Đông Phong trào Khai sáng không tạo lập được nhiều ảnh hưởng. Đối diện với nhiều áp lực từ các xã hội thế tục, giáo hội phải bám trụ vào các xác tín truyền thống để tồn tại, dù vậy, số lượng tín hữu cứ hao mòn dần.
Ngày nay, tại Đông Âu và Nga, đang diễn ra tiến trình hồi sinh. Sau nhiều thập kỷ hưng thịnh của thuyết vô thần, nhiều người bắt đầu quan tâm đến Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác. Nhiều nhà thờ và tu viện Chính thống giáo được trùng tu và được lấp đầy bởi các tín hữu và tu sĩ. Các giáo phái Kháng Cách cũng tìm đến để truyền bá Phúc âm và thành lập giáo hội. Giáo hội Công giáo tiết lộ họ đã từng có các giáo phận bí mật và nay đang tiến hành các bước nhằm công khai hỗ trợ các nhà thờ tại đây.
Tại Nam Mỹ và Châu Phi, các giáo phái Phúc âm (Evangelical) và Ngũ tuần (Pentecostal) đang tăng trưởng mạnh và bắt đầu gởi các nhà truyền giáo đến Châu Âu và Bắc Mỹ. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại một số nước châu Á.
Hạ bán thế kỷ 20 chứng kiến chủ nghĩa tân thời phát triển thành chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism). Xảy ra cùng lúc nhưng theo hướng ngược lại là sự phát triển của hiện tượng Đại Giáo đoàn (Megachurch) - tập chú vào tính linh động của các phương pháp trình bày thông điệp Kitô cho người đương thời. Giáo trình Alpha (Alpha Course) là một điển hình cho trào lưu mới này của Kitô giáo.
Một phong trào có ảnh hưởng lớn và đang phát triển mạnh, đặc biệt ở phương Tây và Hoa Kỳ là phong trào Tin Lành hay chủ nghĩa Phúc âm. Họ có mặt và hoạt động tích cực trong hầu hết các giáo phái Kháng Cách, trong một số trường hợp họ là thành phần đa số. Những người Phúc âm thường chủ trương "xuyên giáo phái", họ thích tạo lập các mối quan hệ chính thức hoặc không chính thức với những người Phúc âm trong các giáo phái khác hơn là quan hệ với những người không Phúc âm trong vòng giáo phái của họ. Tín hữu Phúc âm nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có kinh nghiệm quy đạo của mỗi cá nhân và tin Chúa Giêsu là Cứu Chúa và Thiên Chúa. Họ tin vào sự tái lâm của Chúa Kitô, tính chân xác của Thánh Kinh và tin vào phép mầu.
Kitô hữu xem Kitô giáo là sự kế thừa và hoàn chỉnh của Do Thái giáo.[28][29] Kitô giáo mang theo mình nhiều điều từ thần học và lễ nghi của Do Thái giáo như thuyết độc thần, niềm tin vào Đấng Messiah cùng với một vài hình thức thờ phụng như cầu nguyện, xướng đọc Kinh Thánh, chức vị tư tế (dù hầu hết người Kháng Cách tin rằng chức vị tư tế được ban cho tất cả tín hữu), và ý tưởng cho rằng sự thờ phụng trên đất là "hình bóng" cho sự thờ phụng trên thiên đàng.
Những xác tín căn cốt của Kitô giáo tập chú vào sự nhập thể làm người, sự đền tội cho nhân loại, sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.[30] Nhiều Kitô hữu tin rằng sự tuyển chọn mà Thiên Chúa dành cho dân Do Thái được ứng nghiệm trọn vẹn qua Chúa Giêsu: người Do Thái nào không chấp nhận Chúa Giêsu không còn là người được chọn vì họ đã khước từ Ngài như là Đấng Messiah và Con Thiên Chúa. Quan điểm này đang được làm giảm nhẹ hay ngay cả loại trừ tại một số giáo hội nơi người Do Thái được thừa nhận là có một địa vị đặc biệt vì cớ giao ước của Thiên Chúa dành cho dân tộc này.
Trọng tâm của Kitô giáo đặt vào yếu tố Thiên Chúa sai Con Một của mình đến thế gian để cứu nhân loại, tạo ra sự khác biệt lớn lao giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác, vì các tôn giáo ấy thường nhấn mạnh đến vai trò của con người tự nỗ lực cho sự cứu độ của bản thân mình.
Nền thần học được xác lập vững chắc từ ban đầu và được chấp nhận rộng rãi giữa ba nhánh chính của Kitô giáo – Công giáo, Chính thống giáo và Kháng Cách – khẳng định những xác tín căn bản của Kitô giáo bao gồm:
- Thiên Chúa là Ba Ngôi hằng có đời đời, là thực thể vĩnh cửu duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Ngôi Lời trở thành xác thịt là Chúa Giêsu Kitô) và Chúa Thánh Linh.[18]
- Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người, cả hai bản tính đều trọn vẹn trong Ngài.
- Maria (Ma-ri-a hay Ma-ri), mẹ của Chúa Giêsu, người cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, Đấng vô hạn và vĩnh cửu đã được hình thành trong thân thể của bà bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa Thánh Linh. Ngài nhận lãnh từ Maria trí tuệ và ý chí con người và mọi điều khác như một đứa trẻ bình thường nhận lãnh từ mẹ mình.
- Chúa Giêsu là Đấng Messiah mà người Do Thái vẫn hằng mong đợi, là Đấng kế thừa ngai Vua David. Ngài ngự bên hữu Chúa Cha để trị vì với tất cả quyền bính vĩnh cửu.[31] Ngài là niềm hi vọng, là Đấng biện hộ và là Đấng phán xét toàn thể nhân loại. Hội thánh có thẩm quyền và bổn phận rao giảng Phúc âm trên khắp thế giới.
- Chúa Giêsu không bao giờ phạm tội. Qua cái chết và sự sống lại của Ngài, tín hữu được tha thứ tội lỗi và được hoà giải với Thiên Chúa. Tín hữu chịu lễ báp têm (rửa tội) như là biểu tượng cho sự cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô để nhận lãnh sự sống mới. Qua đức tin, họ nhận lãnh lời hứa sẽ sống lại từ kẻ chết để được sống đời đời. Trong danh của Chúa Kitô, Chúa Thánh Linh ngự vào lòng tín hữu, ban cho họ hi vọng, dẫn họ vào sự hiểu biết chân xác về Thiên Chúa và ý chỉ của Ngài cũng như giúp họ tăng trưởng trong đời sống thánh khiết.
- Chúa Giêsu sẽ trở lại[32] để phán xét toàn thể nhân loại, để tiếp rước những người tin Ngài vào cuộc sống vĩnh cửu kề cận Thiên Chúa.
- Nhiều Kitô hữu xem Kinh Thánh là "lời của Thiên Chúa".[33][34][35] Thuật từ này cũng có thể đề cập đến Chúa Giêsu là "Ngôi Lời của Thiên Chúa". Nhiều tín hữu cũng nhìn nhận Kinh Thánh là quyển sách có thẩm quyền, được soi dẫn bởi Chúa Thánh Linh nhưng được viết bởi con người. Vì các quan điểm khác biệt về sự linh hứng của Kinh Thánh mà nhiều Kitô hữu bất đồng với nhau về mức độ chân xác cũng như về phương cách giải thích Kinh Thánh.
Đức tin Kitô giáo được đúc kết trong các tín điều, quan trọng nhất là Tín điều Các Sứ đồ và Tín điều Nicaea. Các bản tín điều này được hình thành trong vòng vài thế kỷ sau công nguyên nhằm phản bác các học thuyết dị giáo. Dù vẫn còn tranh luận về vài điểm khác nhau của các bản tín điều, chúng được dùng rộng rãi để bày tỏ các xác tín căn bản của nhiều Kitô hữu.
Văn hóa phương Tây trải qua lịch sử đã hầu như tương đương với văn hóa Kitô giáo. Các ý niệm về "châu Âu" và "Thế giới phương Tây" được liên hệ mật thiết với "Kitô giáo và Thế giới Kitô giáo", nhiều người thậm chí còn coi Kitô giáo là mối liên kết tạo nên một căn tính Âu châu thống nhất.[39] Mặc dù văn hóa phương Tây trong thời kỳ đầu bao gồm một số tôn giáo đa thần dưới các đế quốc Hy Lạp và La Mã nhưng khi chính quyền trung ương La Mã suy yếu, vị thế của Giáo hội Công giáo là định chế kiên vững duy nhất tại châu Âu.[40] Trong tình trạng bất ổn khi đế quốc dần suy tàn, các tu viện xuất hiện kịp thời đã bảo tồn ngôn ngữ viết và một phần truyền thống cổ điển.[41] Cho tới Thời kỳ Khai minh,[42] văn hóa Kitô giáo đã dẫn dắt triết học, văn học, nghệ thuật, âm nhạc và khoa học.[40][43] Cách riêng, Kitô giáo sau này đã phát triển các chuyên ngành tương ứng của mình.
Kitô giáo có một ảnh hưởng quan trọng lên giáo dục, khoa học và y học khi mà giáo hội đã tạo dựng nên các nền tảng của hệ thống giáo dục phương Tây,[44] cùng với đó Kitô giáo là nhà bảo trợ cho việc hình thành các đại học trong thế giới phương Tây khi mà viện đại học thường được xem là một thể chế có nguồn gốc Kitô giáo thời Trung cổ.[45][46] Xuyên suốt dòng lịch sử, nhiều giáo sĩ, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên,[47][48][49] hoạt động trong lĩnh vực khoa học và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khoa học.[50][51] Ảnh hưởng của Kitô giáo lên nền văn minh có thể kể đến phúc lợi xã hội,[52] thành lập các bệnh viện,[53]kinh tế (như đạo đức lao động Tin Lành),[54][55]chính trị,[56]kiến trúc,[57]văn học[58] và đời sống gia đình.[59]
Các Kitô hữu Đông phương, nhất là tín hữu Cảnh giáo, đã đóng góp cho nền văn minh Hồi giáo Ả Rập dưới các triều đại Nhà Ummayad và Nhà Abbas với việc dịch tác phẩm của các triết gia Hy Lạp cổ đại sang tiếng Syriac và sau đó là tiếng Ả Rập.[60][61][62] Họ cũng là những nhân vật ưu tú trong triết học, khoa học, thần học và y học.[63][64]
Các Kitô hữu có rất nhiều đóng góp trong phạm vi rộng lớn và đa dạng các lĩnh vực, gồm khoa học, nghệ thuật, chính trị, văn học và kinh doanh.[65] Theo 100 Years of Nobel Prizes, xem xét các giải Nobel được trao trong giai đoạn từ 1901 tới 2000 cho thấy rằng có 65,4% Khôi nguyên Nobel xác định tôn giáo của mình là Kitô giáo thuộc các hệ phái.[66]
Hậu Kitô giáo là thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm của Kitô giáo trong thế kỷ 20 và 21, đặc biệt là tại châu Âu, Canada, Úc và ở mức độ ít hơn tại các nước Viễn Nam của châu Mỹ, có liên quan tới thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó đề cập đến việc Kitô giáo mất vị trí độc tôn trong các giá trị và thế giới quan so với các xã hội Kitô giáo trước đây.
Các Kitô hữu văn hóa là những người thế tục có di sản Kitô giáo, có thể không tin theo các giáo lý nhưng còn duy trì thiện cảm với văn hóa đại chúng, nghệ thuật và âm nhạc Kitô giáo nên vẫn còn mối liên hệ. Thuật ngữ này còn dùng trong việc phân biệt các nhóm chính trị trong khu vực đa tôn giáo.
- ^ Fowler, Jeaneane D. World Religions:An Introduction for Students. Sussex Academic Press (1997), p. 131. ISBN 1-898723-48-6.
- ^ McManners, John. Oxford Illustrated History of Christianity. Oxford University Press (1990), p. 301–303.
- ^ BBC, BBC - Religion & Ethics - Christianity
- ^ The Catholic Encyclopedia, Volume IX, Monotheism; William F. Albright, From the Stone Age to Christianity; H. Richard Niebuhr; About.com, Monotheistic Religion resources; Jonathan Kirsch, God Against the Gods; Linda Woodhead, An Introduction to Christianity; The Columbia Electronic Encyclopedia Monotheism; The New Dictionary of Cultural Literacy, monotheism; New Dictionary of Theology, Paul, p. 496-99; David Vincent Meconi, "Pagan Monotheism in Late Antiquity" in Journal of Early Christian Studies, p. 111–12
- ^ Fowler, Jeaneane D. World Religions:An Introduction for Students. p. 58. Sussex Academic Press (1997). ISBN 1-898723-48-6.
- ^ “World's largest religion by population is still Christianity”. Pew Research Center. Ngày 5 tháng 4 năm 2017.
- ^ McGrath, Alister E. Christianity:An Introduction. Pp 4-6. Blackwell Publishing (2006). ISBN 1-4051-0899-1.
- ^ Công vụ các Sứ đồ 2:24, Rôma 10:9, 1Cor 15:15-19, Công vụ các Sứ đồ 2:31-32, 3:15, 4:10, 5:30, 10:40,41, 13:30-31, 13:34,35, 13:37, 17:30,31, 1Cor 6:14, 2Cor 4:14,15, Gal 1:1, Eph 1:19-23, [1], Hêb 13:20, 21, 1Peter 1:3, 1:21
- ^ Hanegraaff, Hank. Resurrection: The Capstone in the Arch of Christianity. Thomas Nelson (2000) ISBN 0-8499-1643-7.
- ^ Phúc âm John 19: 30-31, Phúc âm Mark 16,
- ^ 1Cor 15:5-7
- ^ Công vụ các Sứ đồ 7:54-60
- ^ Công vụ các Sứ đồ 12:1,2
- ^ J.N.D. Kelly, Early Christian Doctrines, p. 87-90.
- ^ T. Desmond Alexander, New Dictionary of Biblical Theology, p. 514-515
- ^ Alister E. McGrath, Historical Theology p. 61.
- ^ Metzger, Bruce M. and Michael Coogan, editors. Oxford Companion to the Bible. Pg. 782 Oxford University Press (1993). ISBN 0-19-504645-5.
- ^ a ă J.N.D. Kelly, The Athanasian Creed, NY: Harper and Row, 1964.
- ^ The Great Schism: The Estrangement of Eastern and Western Christendom
- ^ Simon, Edith (1966). Great Ages of Man: The Reformation. Time-Life Books. tr. p. 39, 55–61. ISBN 0662278208.
- ^ Keith Mathison The Shape of Sola Scriptura (2001)
- ^ Adherents.com – Number of Christians in the world
- ^ “The Global Religious Landscape”. Pew Research Center. Ngày 18 tháng 12 năm 2012.
- ^ “Number of Catholics on the Rise”. Zenit. Ngày 27 tháng 4 năm 2010.
- ^ “Major Religions Ranked by Size”. Adherents. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2007.
- ^ “Why Muslims are the world’s fastest-growing religious group”. Pew Research Center. 6 tháng 4 năm 2017.
- ^ Werner Ustorf, "A missiological postscript", in Hugh McLeod, Werner Ustorf (editors), The Decline of Christendom in Western Europe, 1750-2000, Cambridge University Press (2003), 219-220.
- ^ Robinson, George. Essential Judaism: A Complete Guide to Beliefs, Customs and Rituals. New York: Pocket Books, 2000, p. 229.
- ^ Esler, Phillip F. The Early Christian World. Routledge (2004), p. 157-158.
- ^ Metzger, Bruce M. and Michael Coogan, editors. Oxford Companion to the Bible. Pp 513, 649. Oxford University Press (1993). ISBN 0-19-504645-5.
- ^ Nicene Creed - Wikisource
- ^ Công vụ các Sứ đồ 1: 9-11
- ^ Catechism of the Catholic Church, Inspiration and Truth of Sacred Scripture (§105-108)
- ^ Second Helvetic Confession, Of the Holy Scripture Being the True Word of God
- ^ Chicago Statement on Biblical Inerrancy, online text
- ^ Cambridge University Historical Series, An Essay on Western Civilization in Its Economic Aspects, p.40: Hebraism, like Hellenism, has been an all-important factor in the development of Western Civilization; Judaism, as the precursor of Christianity, has indirectly had had much to do with shaping the ideals and morality of western nations since the christian era.
- ^ Caltron J.H Hayas, Christianity and Western Civilization (1953),Stanford University Press, p.2: That certain distinctive features of our Western civilization — the civilization of western Europe and of America— have been shaped chiefly by Judaeo – Graeco – Christianity, Catholic and Protestant.
- ^ Orlandis, A Short History of the Catholic Church (1993), preface.
- ^ Dawson, Christopher; Glenn Olsen (1961). Crisis in Western Education . tr. 108. ISBN 978-0-8132-1683-6.
- ^ a ă Koch, Carl (1994). The Catholic Church: Journey, Wisdom, and Mission. Early Middle Ages: St. Mary's Press. ISBN 978-0-88489-298-4.
- ^ Brooke, John H.; Numbers, Ronald L. biên tập (2011). Science and Religion Around the World. New York: Oxford University Press. tr. 71. ISBN 978-0-195-32819-6.
- ^ Koch, Carl (1994). The Catholic Church: Journey, Wisdom, and Mission. The Age of Enlightenment: St. Mary's Press. ISBN 978-0-88489-298-4.
- ^ Dawson, Christopher; Olsen, Glenn (1961). Crisis in Western Education . ISBN 978-0-8132-1683-6.
- ^ Encyclopædia Britannica Forms of Christian education
- ^ Rüegg, Walter: "Foreword. The University as a European Institution", in: A History of the University in Europe. Vol. 1: Universities in the Middle Ages, Cambridge University Press, 1992, ISBN 0-521-36105-2, pp. XIX–XX
- ^ Verger, Jacques (1999). Culture, enseignement et société en Occident aux XIIe et XIIIe siècles (bằng tiếng Pháp) (ấn bản 1). Presses universitaires de Rennes in Rennes. ISBN 286847344X. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2014.
- ^ Susan Elizabeth Hough, Richter's Scale: Measure of an Earthquake, Measure of a Man, Princeton University Press, 2007, ISBN 0691128073, p. 68.
- ^ Woods, Thomas E. (2005). How the Catholic Church Built Western Civilization. Washington, DC: Regnery. ISBN 0-89526-038-7.
- ^ Encyclopædia Britannica Jesuit
- ^ Hannam, James (2009). God's Philosophers: How the Medieval World Laid the Foundations of Modern Science. Icon Books.
- ^ Wallace, William A. (1984). Prelude, Galileo and his Sources. The Heritage of the Collegio Romano in Galileo's Science. N.J.: Princeton University Press.
- ^ Encyclopædia Britannica Church and social welfare
- ^ Encyclopædia Britannica Care for the sick
- ^ Encyclopædia Britannica Property, poverty, and the poor,
- ^ Weber, Max (1905). Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản.
- ^ Encyclopædia Britannica Church and state
- ^ Sir Banister Fletcher, History of Architecture on the Comparative Method.
- ^ Buringh, Eltjo; van Zanden, Jan Luiten: "Charting the "Rise of the West": Manuscripts and Printed Books in Europe, A Long-Term Perspective from the Sixth through Eighteenth Centuries", The Journal of Economic History, Vol. 69, No. 2 (2009), pp. 409–445 (416, table 1)
- ^ Encyclopædia Britannica The tendency to spiritualize and individualize marriage
- ^ Hill, Donald. Islamic Science and Engineering. 1993. Edinburgh Univ. Press. ISBN 0-7486-0455-3, p.4
- ^ Brague, Rémi (ngày 15 tháng 4 năm 2009). The Legend of the Middle Ages. tr. 164. ISBN 9780226070803. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2014.
- ^ Ferguson, Kitty Pythagoras: His Lives and the Legacy of a Rational Universe Walker Publishing Company, New York, 2008, (page number not available – occurs toward end of Chapter 13, "The Wrap-up of Antiquity"). "It was in the Near and Middle East and North Africa that the old traditions of teaching and learning continued, and where Christian scholars were carefully preserving ancient texts and knowledge of the ancient Greek language."
- ^ Rémi Brague, Assyrians contributions to the Islamic civilization
- ^ Britannica, Nestorian
- ^ Religious Affiliation of History's 100 Most Influential People
The Scientific 100
50 Nobel Laureates and Other Great Scientists Who Believe in God
Religious Affiliation of the World's Greatest Artists
The Wealthy 100
Religious Affiliation of History's Greatest Philosophers - ^ Baruch A. Shalev, 100 Years of Nobel Prizes (2003), Atlantic Publishers & Distributors, p.57: between 1901 and 2000 reveals that 654 Laureates belong to 28 different religions. Most (65.4%) have identified Christianity in its various forms as their religious preference. ISBN 978-0935047370
- Gunton, Colin E. (1997). The Cambridge companion to Christian doctrine. Cambridge, UK: Cambridge University Press. ISBN 0-521-47695-X.
- Gill, Robin (2001). The Cambridge companion to Christian ethics. Cambridge, UK: Cambridge University Press. ISBN 0521779189.
- McManners, John (2002). The Oxford history of Christianity. Oxford [Oxfordshire]: Oxford University Press. ISBN 0192803360.
- Padgett, Alan G.; Sally Bruyneel (2003). Introducing Christianity. Maryknoll, N.Y: Orbis Books. ISBN 1570753954.
- Price, Matthew Arlen; Michael, Father Collins (2003). The Story of Christianity. New York: DK Publishing Inc. ISBN 0789496100.
- Miller, Michael Vincent; Ratzinger, Joseph; Pope Benedict XVI (2004). Introduction To Christianity (Communio Books). San Francisco: Ignatius Press. ISBN 1586170295.
- Wagner, Richard (2004). Christianity for Dummies. For Dummies. ISBN 0764544829.
- Webb, Jeffrey B. (2004). The Complete Idiot's Guide to Christianity. Indianapolis, Ind: Alpha Books. ISBN 159257176X.
- Woodhead, Linda (2004). Christianity: a very short introduction. Oxford [Oxfordshire]: Oxford University Press. ISBN 0192803220.
- MacMullen, Ramsay (2006). Voting About God in Early Church Councils. New Haven, CT: Yale University Press. ISBN 0300115962.
- Tucker, Karen; Wainwright, Geoffrey (2006). The Oxford history of Christian worship. Oxford [Oxfordshire]: Oxford University Press. ISBN 0-19-513886-4.
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Kitô giáo |
No comments:
Post a Comment