Quy Ngưỡng tông (zh. guī-yǎng-zōng 潙仰宗, ja. igyō-shū) là một dòng thiền do Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch sáng lập, được xếp vào Ngũ gia thất tông - Thiền Tông chính phái của Trung Quốc. Dòng thiền này sau được tông Lâm Tế hấp thụ và thất truyền trong thế kỉ thứ 10/11.
Một nét đặc biệt của tông này là phương pháp giáo hoá, "đánh thức" môn đệ bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng). Hệ thống giáo hoá này được Lục tổ Huệ Năng sử dụng, truyền cho Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đến Đam Nguyên Ứng Chân và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngày nay cách sử dụng viên tướng này đã thất truyền nhưng có lẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu) và Động Sơn ngũ vị của Thiền sư Động Sơn Lương Giới. 97 viên tướng được sử dụng như mật ngữ, và các vị Thiền sư có kinh nghiệm Giác ngộ thâm sâu sử dụng nó để trau dồi kinh nghiệm với nhau. Vì biết được khả năng tiêu hoại khi truyền hệ thống này bừa bãi - nếu bị lạm dụng trở thành một trò chơi - nên các vị giữ kín bí mật này, chỉ truyền cho những môn đệ hàng thượng căn.
Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời khi được hỏi vì sao sư thấy người đến liền vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ "Ngưu" (牛) (Định Huệ dịch):
“ | Cái ấy cũng là việc không đâu. Nếu chợt hội được thì cũng chẳng phải từ bên ngoài đến, nếu không hội thì quyết chắc là không biết. Ta hỏi lại ông: Bậc lão túc các nơi - ngay trên thân các ông - chỉ cái gì là Phật tính? Nói là phải hay nín là phải, hay chẳng nói chẳng nín là phải, hay lại đều là không phải? Nếu ông nhận nói là phải thì như là người mù sờ đuôi voi. Nếu ông nhận nín là phải thì như người mù sờ tai voi. Nếu ông nhận chẳng nói chẳng nín là phải thì như người mù sờ vòi voi. Nói vật vật đều phải thì như người mù sờ nhằm bốn chân voi. Nếu bảo đều chẳng phải tức là ném bỏ con voi ấy, rơi vào không kiến. Chỗ thấy của các người mù kia chỉ ở nơi danh mạo sai biệt trên con voi... Lại nói: 'Đạo vốn không hình tướng, trí huệ tức là đạo. Người có kiến giải này gọi là chân Bát-nhã.' Người có mắt sáng thấy được toàn thể con voi thì thật tính cũng như vậy. | ” |
Về lý cứ theo Nhân thiên nhãn mục quyển 4 thì tông Qui ngưỡng chia thế giới chủ quan và khách quan ra làm 3 thứ sinh: Tưởng sinh, Tướng sinh, và Lưu chú sinh, mỗi thứ đều có sự phủ định.
- Tưởng sinh: Chỉ cho những suy tư chủ quan, cho rằng hễ có tâm tư duy thì đều là nhơ nhớp tạp loạn, cần phải xa lìa mới được giải thoát.
- Tướng sinh: Chỉ cho cảnh sở duyên, tức thế giới khách quan, cũng cần phải phủ định. Cho nên trong sách có câu kệ (Vạn tục 113, 437 thượng):
“Ánh sáng chiếu vào rõ đường về
Mộng tối tan rồi hai mắt sáng”.
- Lưu chú sinh: Chỉ cho thế giới chủ quan, khách quan biến hóa vô thường, âm thầm trôi chảy, theo nhau không dứt. Nếu có thể nhìn thẳng vào dòng thác tư duy ấy mà cắt đứt được thì chứng đắc trí viên minh, đạt đến cảnh giới tự tại.
Về lí luận tu hành thì tông này theo yếu chỉ “Lí sự như như” của các Thiền sư Đạo Nhất, Hoài Hải, cho rằng vạn vật hữu tình đều có đủ tính Phật, nếu minh tâm kiến tính thì có thể thành Phật.
Thiền phong của tông này là “Phương viên mặc khế”(lặng lẽ khế hợp tất cả), cơ pháp tiếp hóa người học phần nhiều dùng cách đối đáp để đưa đến chỗ thầm hợp (ngộ).
- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Dumoulin, Heinrich:
- Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
- Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
No comments:
Post a Comment