Sunday, 14 October 2018

T.T.Kh. – Wikipedia tiếng Việt


Bút danh
T.T.Kh
T.T.Kh.
Quốc gia
Việt Nam
Thể loại
Thơ lãng mạn
Trào lưu
Thơ mới
Thân nhân
Chưa rõ


T.T.Kh là bút danh của một nhà thơ đã từng ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945), tên thật là Trần Thị Khánh, bà là tác giả bài "Hai sắc hoa Ti-gôn" nổi tiếng.


Tháng 7 năm 1937, tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội đăng truyện ngắn "Hoa Ti gôn"[1] của nhà văn Thanh Châu. khoảng 2 tháng sau, thì "tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn mang đến gửi cho chủ bút tờ báo trên, trong ấy chỉ vỏn vẹn có bài thơ 'Hai sắc hoa ti gôn', dưới ký tên là T.T.Kh...Có thể nói đây là lần duy nhất người thiếu phụ ấy xuất hiện"...[2]. Trong đó có những câu sau:


...Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người...

Trần Thị Khánh là người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này.


T.T.Kh chỉ đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ Bảy có 3 bài thơ, đó là:


  • "Hai sắc hoa Ti-gôn" (đăng ngày 23 tháng 9 năm 1937). Bà Trần Thị Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn

  • "Bài thơ thứ nhất" (đăng ngày 23 tháng 11 năm 1937). Bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ Đan áo.

  • "Bài thơ cuối cùng" (đăng ngày 30 tháng 10 năm 1938).Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.Kh. và thế là T.T.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy T.T.Kh. "tắt lịm" trên thi đàn.

Hai sắc hoa tigôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn, 

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc, 

Tôi chờ người đến với yêu đương.    

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng 

Dải đường xa vút bóng chiều phong, 

Và phương trời thẳm mờ sương, cát, 

Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.    

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 

Thở dài trong lúc thấy tôi vui, 

Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ, 

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!" 

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì

Cánh hoa tan tác của sinh ly, 

Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng 

Là chút lòng trong chẳng biến suy"    

Đâu biết lần đi một lỡ làng, 

Dưới trời đau khổ chết yêu đương. 

Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm, 

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...    

Từ đấy, thu rồi, thu lại thu, 

Lòng tôi còn giá đến bao giờ 

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ... 

Người ấy, cho nên vẫn hững hờ. 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi, 

Mà từng thu chết, từng thu chết, 

Vẫn giấu trong tim bóng "một người".    

Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết 

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa 

Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ. 

Và đỏ như màu máu thắm pha! 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi

Một mùa thu trước rất xa xôi... 

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã, 

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!    

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, 

Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu 

Gió về lạnh lẽo chân mây vắng, 

Người ấy sang sông đứng ngóng đò. 

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,

Trời ơi! Người ấy có buồn không? 

Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ 

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

Nguồn:

1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937 

2. Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2005

Riêng bài "Đan áo cho chồng", đăng trên báo Phụ nữ thời đàm năm 1938 [3].


Các bài thơ của T.T.Kh được vài nhạc sĩ phổ nhạc, như bài "Hai sắc hoa Ti-gôn" được NS Trần Trịnh (phổ nhạc năm 1958) và NS Anh Bằng phổ nhạc.



  1. ^ Theo Truyện ngắn "Hoa ti gôn" của nhà văn Thanh Châu đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy

  2. ^ Lược kể theo Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi văn tiền chiến (quyển thượng), Sài Gòn, 1968, tr. 503.

  3. ^ Theo nhà văn Thanh Châu thì bài thơ "Đan áo cho chồng" không phải do TT. Kh gửi đăng, mà là do "người yêu của T.T.Kh" gửi cho báo Phụ nữ thời đàm. Và cũng theo nhà văn này, chỉ có ba thơ in trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy là chắc của T.T.Kh (xem chi tiết trong bài viết "Nói thêm về T.T. Kh" của Thanh Châu, viết vào mùa thu 1990, in trong Thâm Tâm-T.T. Kh của Hoài Việt. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1991).





No comments:

Post a Comment